Sound On PLS!!! L Tm:::iều G :::Chuyện H Phố:::Trần Cng Nhung

greenspun.com : LUSENET : Vietnamese American Society : One Thread

Chuyện H Phố



Trần Cng Nhung

Nhiều người đi du lịch, chỉ thích đến ngay nơi mình muốn đến. Họ dành tâm trí để thưởng lãm, để ghi nhận những hình ảnh ở các tụ điểm tham quan. Những dinh thự nguy nga, những trung tâm thương mãi sầm uất, sang trọng. Những Khách sạn 3 Sao, 5 Sao. Những của ngon vật lạ, những màu sắc và dáng vẻ kỳ quan đã được ca ngợi trong sách báo hoặc được quảng cáo đó đây. Ít ai để ý đến những chuyện vặt vãnh dọc đường. Theo tôi, "chuyện bên đường" nhiều khi cũng lý thú và đáng ghi nhớ. Mỗi địa phương có nét đặc biệt riêng về con người về phong tục, về đời sống, về tâm tình...

Đôi khi lang thang lại được nghe những câu chào hỏi thật buồn cười mà rất tình cảm. Hôm tôi ra chợ Đồng Hới để tìm mua chiếc nón lá cho người mẫu, tôi cứ phải nín cười khi nghe tiếng chào mời:

Chú, chú mua chi chú hè.

Chú mua bánh nì.

Lúc tôi cầm chiếc nón đi dưới trời mưa lâm râm thì bao nhiêu người gọi, và tỏ vẻ lo cho tôi:

- Chú, nón mới mà trời mưa e đọa chú hè.

- Cho chú cái bị nè, mưa hư nón hết.

(Nón mới, gặp nước mưa sẽ bị hư mốc nên phải bọc ni-lon).

Một người khác trấn an tôi:

- Mưa rứa chớ dợ chừ (Mưa vậy chứ tạnh bây giờ)

Tôi không biết trả lời sao, cứ cười cười, thấy tôi cười, bà con lại càng kêu.

Nét riêng của mỗi địa phương rõ rệt nhất là các món ăn. Hà Nội thì Phở, Miến, thịt cầy. Trước đây đã có lần đọc những bảng hiệu mà ngạc nhiên: Cơm Chó, Phở Chó, Cháo Chó....Nghe nó ghê ghê ...Huế thì Bún bò Nem Chả. Đồng Hới thì quán hàng nào cũng Cháo Lươn, Cháo Canh. Cháo canh là Bánh Canh của người miền trong. Miền ngoài, tiết canh làm bát, bát tiết canh, miền trong, dĩa tiết canh.

Hà Nội, sáng sớm, hai bên hè phố có những hàng bán điểm tâm "dã chiến", phở bò, cháo gà, miến...Từ khách sạn Cửa Bắc tôi ra ăn sáng ngay quán phở cạnh đấy. Hai chiếc bàn con, thấp, khách ngồi chung cái băng dài cao chừng 30cm. Chị bán phở lo liệu một mình, không có ai phụ, chị im lặng, cặm cụi làm phở cho khách, nét mặt đăm đăm. Tôi ngồi quan sát một lúc mới nghe chị hỏi:

- Bác dùng gì ạ ?

- Chị cho bát phở gà không da.

- Phở gà không da là sao ạ ?

Tôi liếc nhìn, thịt gà đã thái nhỏ không chặt miếng như ở Bolsa, mình đã nói theo thói quen. Tôi vội đáp:

- Vâng một bát phở gà.

Chị bán phở có vẻ suy nghĩ, quay lại làm phở cho tôi. Bát phở nhỏ bằng nửa tô nhỏ của phở Bolsa, thịt bánh cũng có vẻ khiêm nhường dè dặt. Tuy vậy tôi vẫn thấy ngon. Ngồi ăn bên hè phố, trông người qua kẻ lại, nghe thứ tiếng nói của chính mình, vừa khỏe lỗ tai vừa dễ cười. Một chiếc xe Dream cập vào lề, tôi nghe ông khách ngồi bàn bên la lên:

- Ới giời ơi, bố đi đâu mà suốt ngày hôm qua con tìm bố muốn hết hơi đấy nhá.

Tôi quay lại thấy người mới đến còn trẻ hơn ông khách nhiều. Ngồi vào bàn người khách nói nhỏ gì đó. Ông kia lại oang oang:

- Nhớ nhé, bố mà quên con là hỏng hết đấy.

- Tôi cố ăn nhẩn nha để nghe chuyện, nhưng hai ông khách lại ăn vội rồi kéo nhau đi ngay. Tôi hỏi người bán phở :

- Chị bày bán trên hè như vầy không bị phạt sao ?

- Nhiều khi cũng bị đấy ạ, nhưng rồi năn nỉ thì cũng được tha. Với lại mình công nhân viên chức, họ cũng thông cảm.

- Chị là nhân viên nhà nước, lại còn làm thêm.

- Vâng, phải làm thêm chứ bác.... Lương thì làm sao đủ sống, con cái học hành...vất vả lắm bác ơi. Bác chẳng nghe người ta nói lương lậu đó sao.

Tôi đứng dậy, đưa chị tờ 5000, chị thối tôi 2000. Tôi nghĩ bát phở chưa tới 50cent nên quay đi vừa nói:

- Thôi, chị giữ luôn.

Tôi gọi một anh xe thồ chạy ra chợ Đồng Xuân. Ở Việt Nam, hầu như ngôi chợ nào, dù lớn bao nhiêu thì vẫn có cảnh buôn thúng bán mẹt chung quanh rìa chợ. Chính những nơi này lại cho người nhiếp ảnh nhiều cảm hứng. Dường như nghệ thuật thường bắt gặp ở những nơi nghèo đói, thiếu thốn, hơn là chốn giàu sang. Đi suốt ngày giữa phố thị, lâu đài, nhìn mỏi cổ, chẳng biết chụp cái gì, nhưng, đứng ở một góc chợ thì tha hồ bấm máy.

Chợt thấy góc hè bên kia đường có ông cụ tóc bạc phơ, đang ngồi bán nước trà. Tôi vội bước qua, các cụ mà bán trà thì nhất định trà ngon. Kinh nghiệm cho hay, không nên uống trà do những người trẻ tuổi bán. Nghề gì cũng vậy, phải từng trải mới đáp ứng được yêu cầu của khách. Uống trà tuy mang tiếng nhàn tản, nhưng lại phải điệu nghệ mới được. Mỗi cái chọn cho đúng thứ trà ngon đã khó, đừng nói đến cách pha chế. Thấy tôi đi tới, ông cụ vui vẻ mời:

- Ông ngồi uống trà.

Ghế đẳng đâu mà ngồi. Quán trà là một bậc cửa tam cấp. Chiếc cửa sắt đen rỉ kéo kín im ỉm. Ông già ngồi bậc thềm trên cùng, bên cạnh có bộ khay trà. Sau lưng treo mấy gói ni-long. Bậc dưới có cái lò đất, lửa than hồng, nước đang sôi. Thật đơn giản.

Tôi không do dự, ngồi xuống bậc thềm thứ nhì:

- Cụ cho một chén.

Ông cụ thay trà mới, rót nước sôi tráng qua một lượt rồi pha nước cho vừa mức trà.

- Nãy giờ tôi thấy ông chụp nhiều ảnh, ông ở xa đến à ?

- Dạ vâng, tôi trong Nha Trang ra.

- Nha Trang có bãi biển đẹp, hồi còn trẻ, đã có lần tôi vào chơi Nha Trang.

- Năm nay cụ...

- Còn hai năm nữa đúng tám mươi.

- Cụ còn khỏe lắm. Cụ có đầu tóc đẹp tuyệt.

Ông già cười cười. Nhắm chừng trà đã ra, ông rót cho tôi một chén. Đúng thị trà Bắc Thái, nước vàng xanh, uống vào có dư vị rất đậm đà. Trà ngon phải nhấp, không nên uống cái ào. Ông già quay qua lấy một gói nilon rồi nói:

- Ông ăn miếng cốm uống chè mới thích. Đây là cốm Hương Ninh nổi tiếng tại thủ đô đấy ông ạ.

Cốm Hương Ninh, nghe lạ, tôi hỏi:

- Thưa cụ xưa nay nổi tiếng là Cốm Vòng chứ ạ .

- Đúng là thời trước cốm làng Vòng nổi tiếng. Cốm phải đặt trên lá Sen xanh chứ không cho vào bát, dù là bát Giang Tây hay Bát Tràng. Các cô gái làng Vòng gánh cốm ra Hà Nội cứ thủng thỉnh đi, không phải rao mời. Hai thúng cốm, trên mẹt lót lá sen, chung quanh rải một ít rơm xanh, những chiếc bánh vuông trông rất đẹp mắt. Theo tục lệ miền Bắc, Cốm và Hồng là hai món quí trong lễ hỏi. Trong những câu hát ví của trai gái, ông có nghe:

Người ơi biết có được không,

Để mẹ mua cốm mua hồng sang xin.

Vừa nói ông cụ vừa mở gói ni-long, chìa cho tôi:

- Ông bẹo một tí ăn thử.

Tôi ngần ngừ, cốm nổi tiếng gì mà cứ như cơm cháy. Đen thâm thẩm...

- Ngon lắm ông ạ, cốm cháy nó thế, bà chủ lò, quí tôi mới dành cho tôi mỗi ngày một vắt đấy.

Tôi cười, nhìn ông cụ:

- Cụ có nhiều nét duyên già.

Ông cụ có vẻ thích, lại năn nỉ mời. Nể lời, tôi rứt một miếng. Quả thật, vị ngọt của cốm rất thanh, không phải như bánh ngọt. Ăn một tí, nhấp một hớp trà, rõ ràng thấm đượm cả mùi vị quê hương. Miền Trung, không có bánh cốm. Thời còn nhỏ, tôi thường được ăn một thứ cốm, gọi là cốm dẹp. Ngày mùa, khi lúa nếp vừa chín tới, được gặt về, chà hạt rồi đem rang. Nếp vừa nóng bung thì cho ngay vào cối giã. Hạt nếp dẹp dính vào nhau, mang ra sàng sảy vỏ. Cốm dẹp ăn ngọt và béo như có sữa. Loại cốm này chỉ để ăn chơi, như món quà đầu mùa.

- Thưa cụ ngoài cốm Hương Ninh, còn Cốm nào nữa ạ.

- Cốm làng Lủ, làng Lủ chỉ làm cốm trắng, không có cốm xanh.

Cạn chén trà thứ hai tôi hỏi:

- Trà cụ ngon lắm, tôi có thể mua ở đâu ra thứ trà này?

- Ông ra phố Hàng Điếu, bảo bán trà loại 1.

Ông cụ chỉ cho tôi lối ra Hàng Điếu, cách đó không xa. Đến ngay hàng trà của một bà lão, Trà Thái Nguyên 20 Hàng Điếu. Trà loại 1, sáu mươi ngàn đồng một cân. Nếu mua vớ vẩn sẽ gặp trà giả, nước đỏ, mùi vị nhạt. Từ Hàng Điếu tôi thả bộ qua Hàng Gà, Hàng Cót....

Tôi tìm thấy những hình ảnh của ngày xưa sau lũy tre xanh: Những cái thang tre dài ngoằng, những gióng mây, thúng mủng, những rổ rá sàng mẹt...chúng nằm từng đống vô tư ngay giữa lòng Hà Nội. Dường như chúng đang trò chuyện kể lễ với tôi. Tôi thấy thú vị và ấm áp trong tâm hồn mình hơn là những lúc nằm trên giường nệm trong khách sạn. Tôi đang được vỗ về bằng những tình tự quê nhà....



-- Kẻ Sĩ Bắc H (ke_si_bac_ha@yahoo.com), March 02, 2005

Answers

Response to Sound On PLS!!! Lê Tâm:::Ðiều Gì Ðó:::Chuyện Hè Phố:::Trần Công Nhung



-- Kẻ Sĩ Bắc H (ke_si_bac_ha@yahoo.com), March 02, 2005.

Moderation questions? read the FAQ