NƯỚC MỸ CHÚA TỂ

greenspun.com : LUSENET : Vietnamese American Society : One Thread

NƯỚC MỸ CHÚA TỂ

Cao Huy Thuần

Giáo sư Ðại Học

Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Liên Hiệp Âu châu

Ðại Học Amiens (Pháp)

Siêu cường duy nhất còn lại trên thế giới, nước Mỹ là tối thượng. Nhưng "tối thượng" của cách đây mười ba năm, hồi Liên Xô sụp đổ, không giống "tối thượng" của sau 11-9, lại càng không giống "tối thượng" của sau chiến tranh Irak. Ngôi vị thì vẫn thế, nghĩa là cao nhất, cao tột. Nhưng cách củng cố ngôi vị đó, trong hành động, trong lý thuyết, trong ngôn ngữ, khác trước, khác nhiều, như một bước ngoặt. Các lý thuyết gia đang lúng túng, không biết phải dùng từ ngữ gì để diễn tả tình trạng và cách cư xử của nước Mỹ ngày nay. Hegemony? Primacy? Empire? Neo-imperialism? Một Ðế Chế La Mã mới? Không có một khái niệm chính xác nào hoàn toàn thỏa mãn, tôi mượn tạm cách nói bình dân, gọi là "chúa tể " để tặng danh vị đó cho Tổng thống Bush.

Kẻ mạnh nhất, mà lại mạnh như chúa tể, có hai vần đề phải xử lý : một, là phải duy trì hoàng bào chúa tể của mình ; hai, là phải chư hầu hóa quan hệ với các nước mạnh khác, nhất là với đồng minh. Tranh luận lý thuyết hiện nay xoay quanh hai vấn đề đó, ở Mỹ, ở châu Âu, ở Trung Quốc.

I.)-

Cái gì là mới, cái gì tạo ra bước ngoặt, cái gì phô trương khí thế của chúa tể? Ba biểu hiện sau đây: một, là biến những hành động đơn phương thành đơn phương chủ nghĩa; hai, là đổi "chính trị thực tế" (realpolitik) thành "chính trị sức mạnh" (machtpolitik); ba, là đưa đạo đức chủ quan của mình lên thành đạo đức của thế giới.

Trước hết là đơn phương chủ nghĩa. Có nước nào, nhất là nước lớn, không viện dẫn tính cần thiết của hành động đơn phương khi phải bảo vệ quyền lợi thiết thân của mình? "Ta phải bảo vệ quyền lợi sống chết của ta như từ trước đến nay, ta phải nói không một mình khi gặp bất cứ vấn đề gì mà ta không thể chấp nhận". Ðó là nước Pháp nói (1). Bởi vậy, cũng thường tình thôi khi chính quyền Clinton định nghĩa "lãnh đạo" của Mỹ trước hết như là "hành động một mình lúc cần thiết để bảo vệ quyền lợi của Mỹ" (2). Ðiều đáng nói ở đây là chính quyền Clinton xem đơn phương như biện pháp tối hậu, không phải biện pháp thường dùng. Bởi vì "lãnh đạo của Mỹ cũng đòi hỏi chúng ta phải vận dụng sự ủng hộ của đồng minh, của bạn bè, của các định chế quốc tế để hoàn thành mục tiêu chung" (3). Rõ ràng hơn nữa : "Gần đây, cách nói thời thượng là ta phải hành động một mình. Quan niệm như thế là sai lầm: nó giới hạn tính mềm dẻo, làm suy yếu ảnh hưởng, làm thương tổn lợi ích của ta. Làm như vậy chẳng khác nào chính ta tự giải giới trước những đe dọa thúc bách nhất của thế giới. Nhiều mục tiêu quan trọng nhất của ta sẽ không thể hoàn thành được nếu không có sự hợp tác của các nước khác" (4). Ðó là những câu viết của ông W. Christopher, bộ trưởng ngoại giao của Clinton trong nhiệm kỳ thứ nhất. Chủ trương đa phương đó, bà Madeleine Albright, bộ trưởng ngoại giao trong nhiệm kỳ thứ hai của Clinton, gọi là "đa phương xác quyết", assertive multilateralism.



-- (Sáu Bi Da @ Saigong.Net), January 29, 2005

Answers

Response to NƯỚC MỸ CHÚA TỂ

Sự thực, đơn phương hay đa phương là vấn đề giả, và chính ông Christopher cũng nói thế. Cả hai phải đi đôi với nhau, đa phương để "tạo ảnh hưởng trên sự việc mà không buộc phải gánh chịu tất cả rủi may hay trả bằng mọi giá và cũng không làm hỏng tự do hành động tối hậu"; đơn phương chính là khí giới tối hậu đó.

Chủ trương của ông Bush thì trái ngược: đơn phương không phải là tối hậu mà là ưu tiên trong những lĩnh vực mà nước Mỹ lựa chọn. Và bởi vì tình trạng nhất cực đưa đến hậu quả là làm dễ dàng tự do lựa chọn, ông khai thác triệt để tự do đó bằng cách nâng nó lên mức tối đa. Ðã là chúa tể thì không ai ràng buộc được cả. Tất cả quan hệ đa phương nào ràng buộc nước Mỹ và không phù hợp với quyền lợi của Mỹ đều phải truất phế hết: hiệp ước đa phương Kyoto về môi trường, tổ chức đa phương kiểu Tòa án hình sự quốc tế, ngay cả luật pháp quốc tế, ngay cả Liên Hợp Quốc.

Chủ quyền của nước Mỹ là tối thượng. Quan hệ quốc tế là rừng rú. Trong rừng rú, kẻ mạnh nhất là chúa sơn lâm. Ðừng nói governance nữa với ông Bush, nước Mỹ không công nhận một cung cách quản trị cộng đồng nào cả, bởi vì trên đầu nước Mỹ chỉ có cờ Mỹ tung bay thôi. Ðừng hòng toàn cầu hóa nước Mỹ: nước Mỹ đang Mỹ hóa toàn cầu. Tổ chức thương mãi thế giới WTO? OK, chơi được. Quỹ tiền tệ quốc tế IMF? Coi chừng, đừng diễn trò hào hiệp thương thuyết lại nợ nần của các nước nghèo: Mỹ phủ quyết thẳng tay.

Ðơn phương, vì đơn phương là tự do hành động. Mà tự do hành động cao nhất là gì trong lĩnh vực an ninh? Là đánh lúc nào muốn, lúc nào thuận tiện nhất, không vướng đồng minh, không vướng tổ chức quốc tế, không vướng luật pháp, không vướng bất cứ một ràng buộc nào. Biến cố 11-9 tạo thuận tiện mọi bề, nhất là về tâm lý quần chúng nội bộ, để đưa hành động đơn phương lên thành chủ nghĩa. Bước ngoặt đó, ông Bush tuyên bố như sau: Nước Mỹ "không ngần ngại hành động một mình, nếu cần, để hành xử quyền tự vệ của mình bằng cách hành động phòng ngừa để chống lại bọn khủng bố, ngăn cản không cho chúng gây thiệt hại cho dân và nước Mỹ" (5). Chiến tranh phòng ngừa là chiến tranh mà điếu 51 Hiến chương LHQ nghiêm cấm. Ðưa chiến tranh phòng ngừa lên hàng quốc sách là đạp đổ tan tành tất cả hệ thống an ninh cộng đồng mà Tổng thống Roosevelt đã gây dựng. LHQ sụp đổ trước khi diễn ra chiến tranh Irak.



-- (Sáu Bi Da @ Saigong.Net), January 29, 2005.


Response to NƯỚC MỸ CHÚA TỂ

IỊ)-

Ðiểm thứ hai là chủ nghĩa sức mạnh. Sức mạnh là thước đo vị thế của các quốc gia trên thế giới. Ðo lường sức mạnh được không? Câu hỏi lý thuyết cổ điển này chắc lỗi thời rồi. Trước đây, lý thuyết gia chất vấn: có gì mạnh hơn khí giới nguyên tử?

Nhưng sinh ra để mà không nổ thì mạnh ở đâu? Có ai mạnh hơn Liên Xô về quân đội? Thế mà tan tành! Việt Nam là nước lạc hậu; thế mà đuổi được siêu cường! Thụy Sĩ nhỏ xíu; thế mà giàu! Ông Giáo hoàng đi không vững, nói không ra hơi, thế mà xóa biên giới! Những bàn cãi lý thuyết này về sức mạnh đã trở thành lý thuyết suông với nước Mỹ hiện nay. Tại sao? Tại vì Mỹ mạnh về mọi mặt, đo lường quá dễ! Về quân sự? Hố ngăn cách giữa Mỹ với các nước mạnh khác gây chóng mặt:

chi tiêu cho quốc phòng trong năm 2003 nhiều hơn 15-20 nước mạnh nhất cọng lại (6). Lịch sử loài người chưa bao giờ biết một khoảng cách khiếp như thế. Mà sức mạnh đó được mua với giá bao nhiêu? 3,5% tổng sản lượng quốc gia! Tác giả Paul Kennedy bình luận: "Ðứng số 1 trên thế giới mà phải mua với giá đắt quá thì có gì lạ; siêu cường duy nhất trên thế giới với giá rẻ mạt mới là chuyện giật mình" (7). Có cần phải nói thêm về kinh tế, kỹ thuật, óc phát minh, sáng chế chăng? Tất cả những yếu tố cấu thành cái mà người ta gọi là hard power đó, Mỹ hội đủ trong tay, bỏ xa các anh mạnh khác. Ðược hậu thuẫn với sức mạnh cứng đó, tác giả Mỹ có tiếng, Joseph Nye, khuyên Mỹ nên tận dụng soft power thôi là đủ ngự trị rồi. Bởi vì thế giới cũng khiếp cái sức mạnh mềm của Mỹ! Ăn Mỹ (nhanh gọn), mặc Mỹ, nhạc Mỹ, phim Mỹ, sách báo Mỹ, giải trí Mỹ, sống Mỹ, trung tâm văn hóa cũng đã chuyển từ Paris qua New York! Cứng hay mềm, chẳng ai cạnh tranh nổi.

Loài người chưa hề biết một cấu trúc thế giới nào trong đó một nước mạnh đè bẹp các nước mạnh khác phũ phàng đến thế. Superpuissance? Vẫn còn nhẹ quá. Hyperpuissance! Ðó là chữ dùng của cựu bộ trưởng ngoại giao Pháp Hubert Védrine. Tối siêu cường?

Hệ luận ngày nay của sức mạnh "tối siêu" đó là tôn thờ sức mạnh, lấy sức mạnh làm mục đích, xem thế giới là rừng rú, luật pháp quốc tế là luật rừng, luật của kẻ mạnh. Robert Kagan là lý thuyết gia của khuynh hướng mới, bài viết "Power and Weakness" và quyển sách xuất bản cùng đề tài sau đó của ông lẫy lừng khắp nơi. Sức mạnh cắt nghĩa tất cả, từ chính sách của Mỹ đến căng thẳng với Âu châu. Tại sao căng? Giản dị thôi: tại vì Mỹ mạnh, tại vì Âu châu yếu. Vì Mỹ mạnh nên văn hóa chiến lược (strategic culture) của Mỹ thiên về sử dụng vũ lực. Vì Âu châu yếu nên văn hóa chiến lược của Âu châu ngả sang việc tụng kinh, hết kinh luật pháp đến kinh thương thuyết, kinh đa phương. Âu châu lăm le "đa phương hóa" Mỹ. Khác nhau như thế là khác tận căn bản, như đàn ông khác đàn bà: Mỹ, giống như đàn ông, đến từ sao Hỏa ; Âu châu, như đàn bà, đến từ Vệ Nữ hành tinh. Âu châu là thái giám, cụt đuôi rồi, vì EU chẳng phải đọc là EUnuchs, là ennuchs, là thái giám đó sao? (8). Ðã khác tận căn bản, thì phần việc cũng khác: Mỹ sửa soạn bữa ăn, Âu châu rửa chén; Mỹ đánh, Âu châu thu dọn chiến trường. Ðối với Mỹ "đe dọa" là đe dọa, đe dọa thì phải xóa nó đi, bằng vũ lực. Âu châu gặp đe dọa thì tránh né, gọi đe dọa là "vấn đề", và vấn đề thì "giải quyết", bằng tiền bạc, bằng ngoại giao. Âu châu liên hiệp với nhau nên từ bỏ chủ quyền, từ bỏ sức mạnh, thăng hóa sức mạnh để liên hiệp. Mỹ chẳng biết giai đoạn "hậu quốc gia" đó nên vẫn cứ mãi là anh chàng cao bồi Gary Cooper rảo quanh thành phố, súng lục bên hông, giữ an ninh cho dân cư dù ai muốn hay không muốn (9).



-- (Sáu Bi Da @ Saigong.Net), January 29, 2005.


Response to NƯỚC MỸ CHÚA TỂ

Nếu hiểu rành rọt như thế, nghĩa là hiểu căn bản của sự khác nhau là sức mạnh, thì đừng hòng hai bên hòa hợp lại với nhau. Ðừng hy vọng hão rằng mai đây, khi Bush rời chính quyền, Mỹ sẽ thay đổi chính sách: chẳng phải Bush đâu, đó là sức mạnh.

Sức mạnh bảo phải hành động như thế, nói năng như thế, không thể khác được. Bởi vậy, trước mắt Kagan, các tác giả Pháp chẳng hiểu gì Mỹ cả. Họa hoằn mới có một tác giả Âu châu thông minh, thấy vấn đề, tất nhiên ông đó là người Anh, Robert Cooper. Thế giới ngày nay, theo Cooper, tựa như đế chế La Mã ngày trước, chỉ những nước nằm giữa trung tâm, giàu, mạnh, văn minh, hiện đại, mới sống trong an ninh, hòa bình, còn chung quanh toàn là những vùng tiền hiện đại cả, tựa như rợ ngày xưa, chẳng biết hòa bình, an ninh là gì.

Vậy thì, nếu thế giới hậu hiện đại không biết tự bảo vệ mình, coi chừng, sẽ bị tiêu hủy! Nhưng làm thế nào Âu châu tự bảo vệ được khi từ bỏ ngôn ngữ và lý tưởng sức mạnh? Cooper trả lời: chỉ có một cách duy nhất thôi là dùng hai đơn vị đo lường khác nhau. Giữa họ với nhau, Âu châu cư xử trên căn bản luật pháp và an ninh hợp tác; nhưng lúc phải tiếp xúc với thế giới chung quanh, "ta phải trở lại với những biện pháp cứng rắn trước đây - vũ lực, tấn công phòng ngừa, lừa gạt, bất cứ cái gì cần thiết".

Ðó là nguyên tắc của Cooper để duy trì văn minh của "xã hội chúng ta": "giữa chúng ta với nhau, ta áp dụng luật pháp ; nhưng khi ta hoạt động trong rừng, ta phải dùng luật rừng" (10). Nếu tác giả những dòng ấy làm nghề gõ đầu trẻ như chúng tôi trong đại học để kiếm sống thì nói làm gì! Cooper là cố vấn của Tony Blair trước khi cộng tác với Javier Solana, phụ trách ngoại giao của Liên Hiệp Âu châu. Ông lý luận như thế để khai sáng cho Âu châu.

Ông đề nghị lý luận đó phải đi sóng đôi với việc tăng cường sức mạnh của Âu châu về cả hai mặt, vật chất và tâm lý. Dựa trên dự án thông minh và thực tế đó, Kagan bình luận thêm: điều mà Cooper thực sự muốn diễn tả không phải là tương lai của Âu châu mà là hiện tại của Mỹ. Tại sao? Tại vì Mỹ đang nhọc nhằn phấn đấu giữa hai thế giới đó, vừa bám chặt chân trên thế giới này để bảo vệ nó, phát triển luật áp dụng trong những xã hội tiến bộ, văn minh, vừa đồng thời phải sử dụng vũ lực chống lại những tay nào ở thế giới kia không chịu tuân theo luật đó.

Nước Mỹ đang sử dụng hai đơn vị đo lường khác nhau như Cooper đề nghị, và Âu châu phải biết rằng cái thiên đường hậu hiện đại trong đó họ sống sẽ không duy trì được đâu nếu không có chàng cao bồi Mỹ lăm lăm súng lục canh giữ quanh vòng đai thành phố, trực diện với những Saddam, những Kim Jong Il, những Giang, những Hu, những a-da- tô-la xồm xoàm râu. Không có đạo đức nào cao hơn đạo đức ấy: canh giữ thiên đường cho kẻ khác, còn ta chung thân chỉ là sê-ríp thôi.

Lý thuyết của Kagan lồ lộ phô ra một thực trạng mới của ngày hôm nay. Cho đến gần đây, thế giới chia cắt theo đường phân ranh giàu/nghèo, kỹ nghệ tân tiến/canh nông lạc hậu, Bắc/Nam. Một đường chia cắt mới được vẽ ra, dựa trên tiêu chuẩn sức mạnh và những hệ luận của nó về chiến lược, văn hóa, chia khối "Tây phương" ra làm hai, một bên là Mỹ, một bên là Âu châu.

Không thiếu gì tác giả Mỹ báo hiệu sự rẫy chết của khái niệm "The West" (11). Fukuyama tự hỏi, nghĩa là tự trả lời: đường phân ranh của toàn cầu hóa chia cắt Tây phương với tất cả thế giới còn lại hay chia cắt Mỹ với tất cả thế giới còn lại. Ông căn cứ trên khái niệm chính đáng để trả lời: "người Mỹ không quan niệm có một tính chính đáng dân chủ nào ở trên quốc gia; người Âu châu, ngược lại, nghĩ rằng tính chính đáng đó phát xuất từ ý chí của một cộng đồng quốc tế" (12).

Diễn dịch như thế là trung thực với "chủ thuyết Bush". Rạch ròi hơn, Kagan nói : "Sự khác biệt căn bản giữa Mỹ và Âu châu không phải nằm nơi lĩnh vực văn hóa hay triết lý mà là nơi khả năng hành động": vì Mỹ mạnh cho nên mới nói quyền lợi của quốc gia Mỹ là trên hết, trên bất kỳ cộng đồng nào, dù là Tây phương, the West.

Tây phương lại càng không phải là một khối thuần nhất khi tổ chức quân sự trước đây được khai sinh ra để bảo vệ an ninh và văn hóa chung, NATO, bây giờ đang mở rộng tầm hoạt động ra khỏi phạm vi Âu châu - Bắc Ðại Tây Dương, hợp tác chiến lược với những nước trước đây ở trong Liên Bang Xô Viết, gởi quân đội đến tận Trung Á, tận Caucase, ngay trước mũi Nga, ngay bên hông Trung Quốc. Âu châu không ngại việc mở rộng NATO, nhưng đâu là the West tròn như nắm xôi tình nghĩa của thời kháng Xô?



-- (Sáu Bi Da @ Saigong.Net), January 29, 2005.


Response to NƯỚC MỸ CHÚA TỂ

Mấu chốt của chính sách Mỹ ngày nay nằm ở đấy. Thế giới đã thu về một mối, một cực, không phải cực Tây phương mà là cực Mỹ quốc. Mỹ không cần Âu châu, và đã chứng tỏ không cần cả NATO, vẫn thống trị được cả thế giới. Cho nên vấn đề chiến lược của Mỹ trong tình trạng nhất cực hiện nay là duy trì ưu thế nhất cực đó.

Trước đây, các tác giả Mỹ - và cả chính quyền - dùng chữ "lãnh đạo" (leadership) để chỉ vai trò số 1 của Mỹ. Họ cũng không ngần ngại dùng chữ "hegemony", nhưng, để nhấn mạnh bản tính "độ lượng" của Mỹ, họ gọi đó là một benign hegemony.

Ngay cả Kagan trước đây cũng sử dụng ngôn ngữ như vậy, nói rằng Mỹ hành xử một benevolent hegemony (13). Ngày nay, chữ primacy xuất hiện, nhưng thú thật, tôi không biết phải dịch "from hegemony to primacy" thế nào, bởi vì hai chữ đều là tối thượng cả.

Chỉ biết rằng chính sách để duy trì ngôi vị tối thượng của ông Bush là ngăn chận không cho một peer competitor, một kẻ cạnh tranh ngang vai ngang vế nào trỗi lên (14). Chia để trị, nguyên tắc sơ đẳng đó được áp dụng triệt để ở Âu châu (15). Học thuyết quân sự được cải biên, liên minh cổ điển và thường trực kiểu NATO nhường chỗ cho những liên kết từng vụ việc (ad hoc) mà nhiệm vụ được nước Mỹ quy định trước.

Bộ trưởng quốc phòng Rumsfeld chơi giọng kẻ cả: "Nhiệm vụ phải quyết định liên kết, liên kết không được quyết định nhiệm vụ. Nếu không thì nhiệm vụ sẽ bị tụt xuống hàng mẫu số chung thấp nhất và ta không chấp nhận được chuyện đó" (16). Chính sách an ninh không đặt nền móng trên việc đánh giá đe dọa mà là trên căn bản khả năng tấn công. Nghĩa là không cần nhắm trước tiên đến việc định nghĩa đe dọa nào là thật sự và cấp bách mà nhắm vào việc xây dựng một khả năng quân sự chiếm ưu thế vĩnh viễn cho phép nước Mỹ đạt được khả năng đánh gục bất cứ kẻ nào cả gan thách thức.

Với chính sách mới này, ông Bush đã oanh liệt tuyên bố trong diễn văn West Point rằng Hoa Kỳ thay thế chính sách ngăn đê cổ điển (containment) bằng chính sách đánh phòng ngừa: tấn công là phương pháp phòng vệ tốt nhất. Sức mạnh có thể làm được tất cả: có quân đội tấn công, rồi cũng sẽ có quân đội chống hỗn loạn mà mục đích là lập lại trật tự xã hội sau một chiến tranh hủy nát kiểu Irak (17).

Ðiểm thứ ba mới lạ trong chiến lược Bush là thánh hóa tranh chấp ta/địch. Ta là thiên thần, là ông Thiện ; địch là quỷ sứ, là ông Ác. Ai không theo ta thì đương nhiên là Ác thôi. Chuyện này thật ra không mới gì, ông Bush chỉ học bài của Reagan, của Dulles thôi. Cái mới là biến cố 11-9 biến ông Bush thành người kể chuyện thiện ác có tính thuyết phục nhất trong tất cả các ông tổng thống Mỹ. Thuyết phục đến nỗi cả thế giới hoài nghi mà người Mỹ vẫn tin. Âu châu không nghe ông, ông nói: đó là Âu châu đã thoái hóa rồi, đã tương đối hóa đạo đức, cho nên đã quỳ hai gối, không dám hé môi động đến tên của ác quỷ; nước Mỹ tôn thờ đạo đức như tuyệt đối, cho nên một mình vẫn diệt ác như thường.

Ðạo đức đó cho phép ông Bush cầm roi quân sư phụ "phạt" nước Pháp đã dám cản mũi kỳ đà trong chiến tranh Irak. Phạt! Chẳng phải ngôn ngữ trịch thượng đối với chư hầu đó sao?



-- (Sáu Bi Da @ Saigong.Net), January 29, 2005.


Response to NƯỚC MỸ CHÚA TỂ

IIỊ)-

Ở địa vị tối thượng như thế, nước Mỹ có thể gặp những hậu quả gì? Ðịa vị chúa tể này có thể kéo dài được không? Ðó là vấn đề mà chính các tác giả Mỹ nêu lên trước tiên.

Trước hết, trên chính trị quốc tế, hễ có sức mạnh thì có phản ứng chống lại sức mạnh. Sức mạnh quá lớn tất làm chung quanh lo; chung quanh lo tất tìm cách chống, hoặc tự bản thân mình cũng phải mạnh lên, hoặc liên kết với các nước khác. Khi một nước tìm ngôi bá chủ thì đồng thời cũng tạo mầm mống hủy diệt chính ngôi bá chủ tương lai. Lịch sử Âu châu đầy dẫy kinh nghiệm ấy. Ðế quốc Habsburg dưới triều Charles V, Tây Ban Nha dưới triều Philip II, Pháp dưới thời Louis XIV, rồi Napoléon, Ðức dưới tay Hitler: có nước nào duy trì ngôi bá chủ bền vững đâu? Mặt trời không lặn trên đế quốc Anh hồi thế kỷ 19, cho nên Mỹ, Ðức, Pháp cũng bắt nó sáng trên đế quốc của mình. Thế thì tương lai của chúa tể ngày nay cũng sẽ thế chăng?

Mỹ cũng sẽ như thế: đó là luận thuyết thứ nhất. Xem kìa: ngay từ thời Clinton, Nga, Trung Quốc, Âu châu đều đã không cảm thấy thoải mái. "Ða cực" trở thành ám ảnh trong diễn văn của ông Chirac. "Bất cứ cộng đồng nào chỉ có một cường quốc thao túng đều là một cộng đồng nguy hiểm và thúc đẩy phản ứng" (18). Bộ trưởng ngoại giao Pháp thời đó, Hubert Védrine, làm Mỹ bực mình lắm, cứ nói lui nói tới: "Chúng ta không thể chấp nhận việc thế giới thu gọn vào một cực về mặt chính trị hoặc một thế giới đồng nhất về mặt văn hóa hoặc chủ nghĩa đơn phương của một tối siêu quốc. Vì vậy chúng ta tranh đấu cho một thế giới đa cực, đa diện, đa phương" (19).

Trên thực tế, dù Âu châu đành phải nài nỉ Mỹ can thiệp quân sự ở Kosovo, nhưng trong lòng áy náy lắm, vì Mỹ can thiệp không cần thông qua LHQ. Védrine không ngừng giải thích: đây là một đặc lệ, không phải tiền lệ. Áy náy, cho nên sau đó Trung Quốc, Nga và Ấn Ðộ bàn bạc hợp tác quân sự, chuyển nhượng khí giới, san sẻ kỷ thuật quân sự, đề cao đa cực. Ðề cao "thế giới đa cực", tháng 7-2001, Nga và Trung Quốc ký hiệp ước ghi nhận quan tâm chung trên mục tiêu này. Putin tuyên bố không chấp nhận một hệ thống đơn cực, Giang Trạch Dân lặp lại nguyên văn. Áy náy, cho nên cũng sau đó, Âu châu thành lập Chính sách quốc phòng và an ninh chung (PEDS) mà mục đích là tạo cho được một lực lượng can thiệp đủ sức độc lập hơn với Mỹ. Nước Ðức trung thành đến thế mà bây giờ miệng lưỡi cũng gió đổi chiều: "cốt lõi của khái niệm Âu châu sau 1945 là, và vẫn còn là, từ khước tham vọng bá chủ của một cường quốc đơn độc". Ðó là câu nói của bộ trưởng ngoại giao Joscha Fischer năm 2000. Cựu thủ tướng Helmut Schmidt không cần úp mở: Ðức và Pháp "chia sẻ với nhau một lợi ích chung là không giao phó số phận của mình vào tay bá quyền của đại đồng minh Hoa Kỳ" (20).

Ở Trung Ðông, chúa tể dễ gặp nguy hiểm hơn trước. Trước đây, phẫn nộ của quần chúng Hồi giáo đã cao rồi: vì Mỹ dính như keo với Israel, vì Mỹ đóng quân trên thánh địa Arabie Saoudite, vì Mỹ ủng hộ các chính quyền Ả rập mất dân, vì Mỹ thách thức cả Iran lẫn Irak với chính sách "dual containment", ngăn đê cả hai. Bây giờ, với 11-9, với chiến tranh ở Afghanistan, với khủng bố và chống khủng bố, với chế độ bảo hộ ở Irak, luận thuyết "xung đột văn minh" của Huntington bỗng nhiên có cơ sở hiện thực. Xung kích trên mặt trận ý thức hệ, Mỹ đang trở thành tử thù của khối Hồi giáo, rước họa khủng bố vào tương lai, nhúng chân trong một thứ chiến tranh mới chưa từng học, "chiến tranh bất đối xứng": với một lưỡi dao cạo trên máy bay, khủng bố có thể thách thức siêu cường nguyên tử. Vậy thì, trong chiến tranh toàn diện thiện/ác bất tận này, sức mạnh quân sự của Mỹ có thích hợp không? Trải dài, mở rộng ra đến đâu? Gặt hái ân huệ hay thù ghét?

Ðó là quan điểm của đối lập ở Mỹ, thiểu số. Quan điểm của giới cầm quyền thì chỉ hồ hởi thôi, như gà gáy sáng. Ðừng lấy kinh nghiệm lịch sử ra thuyết giảng tôi! Nước Mỹ không giống ai hết! Về địa dư, an ninh của Mỹ an toàn, khác xa các đế quốc trong lịch sử: nằm giữa đại dương, đông tây là biển, bắc nam là tiểu quốc, Mỹ mạnh thêm cũng thế thôi, chẳng gây thêm lo sợ cho lân bang, khác với Nga và Trung Quốc chẳng hạn, mạnh thêm thì chung quanh mất ngủ. Chính trị thế giới vốn là như thế, gọi là thế giới nhưng lo lắng chủ yếu nằm ở địa phương. Các nước nhỏ ở Âu châu không sợ Mỹ mạnh quá, chỉ lo Pháp Ðức mạnh quá. Nhật đâu sợ Mỹ mạnh, chỉ lo Trung Quốc trồi lên. Vì vậy, anh mạnh nào lăm le trồi lên trong vùng, coi chừng Mỹ quốc sẽ bật anh mạnh khác mạnh lên, cân bằng lực lượng. Ðó là chính sách offshore balancing mà Mỹ đã áp dụng trước hai thế chiến ở Âu châu, đứng xa ngoài khơi mà vẫn can thiệp được như thường. Huống hồ ngày nay Mỹ có quân đóng tại chỗ, dù ở Âu hay Á.



-- (Sáu Bi Da @ Saigong.Net), January 29, 2005.



Response to NƯỚC MỸ CHÚA TỂ

Ðịa dư khác, tương quan lực lượng cũng khác. Các nước nuôi tham vọng bá chủ trong lịch sử chỉ mạnh trên một vài phương diện; Mỹ thì mạnh tuốt, trên mọi mặt. Lực lượng của Mỹ nằm ở bên kia Ðại Tây Dương, an ninh toàn vẹn, khác với các nước bá chủ ở Âu châu ngày trước, phải chiếm lãnh thổ người khác, phải bảo vệ lãnh thổ của mình. Ngày trước, các nước liên kết chống bá quyền là các nước muốn duy trì trật tự cũ trong khi nước nuôi tham vọng bá quyền là nước muốn thay đổi trật tự kia.

Ngày nay, Mỹ là siêu cường bảo đảm trật tự an bài và trật tự đó có lợi cho hầu hết các cường quốc khác. Chẳng ai có lợi để phá trật tự cũ; cũng chẳng ai có lợi để lôi kéo kẻ khác vào chuyện phiêu lưu này. Thêm nữa, ngày trước liên kết là để ngăn không cho bá chủ trồi lên; ngày nay Mỹ đã là bá chủ từ khuya! Chàng này vừa lớn lại vừa giàu, chẳng ai được như thế. Nga thì lớn mà xu hào không rủng rỉnh. Âu châu thì giàu nhưng còn lâu mới lớn, nghĩa là mới thành "Liên Hiệp". Chỉ e anh Trung Quốc thôi, peer competitor nay mai đấy. Nhưng nay mai là bao lâu? Bao lâu thì anh ấy giàu? Năm 2020? Không chắc. Vậy thì trong tương lai trước mắt, chẳng có đối thủ nào sẽ trồi lên. Những "tam đa Âu châu" (Pháp-Ðức-Nga), "quan hệ đặc biệt" (Ðức- Nga), "tam giác chiến lược" (Nga-Trung Quốc-Ấn Ðộ), "hợp tác chiến lược" (Nga-Trung Quốc) chỉ là những liên kết hữu danh vô thực diễn tả tâm trạng bất an của một số nước trước sức mạnh của Mỹ. Cứ xem hợp tác Nga-Trung: cả hai đều cầu thân với Mỹ, cả hai đều có quan hệ kinh tế với Mỹ quan trọng hơn giữa họ với nhau. Thế thì chúa tể có gì mà lo?

IV.)- Ðó là tranh luận giữa các tác giả Mỹ với nhau. Âu châu nghĩ gì?

Trước tiên, Âu châu có thể trở thành một cực không? Ða cực là giấc mơ của nước Pháp, nhưng cũng chỉ của nước Pháp. Ðôi khi mơ cũng thành hiện thực phần nào, chẳng hạn khi Pháp thuyết phục được Anh và Ðức thành lập một lực lượng can thiệp với 60.000 quân số. Ðồng ý từ 1999 ở Saint Malo, dự án vẫn còn ở trên đường thực hiện. Chừng nào Âu châu chưa có một lực lượng quân sự độc lập với Mỹ, Âu châu chưa là một cực. Huống hồ Âu châu cũng chưa có một ngoại giao chung, tuy hiệp ước Maastricht đã ký từ 11 năm nay. Âu châu có đủ yếu tố để tạo thành sức mạnh trừ ý muốn trở thành sức mạnh. Ý muốn đó càng loãng đi khi Âu châu càng mở rộng thêm cho các nước thân Mỹ ở Trung và Ðông Âu. Muốn đa cực, Pháp cần có lực lượng quân sự của Anh. Anh Pháp Ðức là nền tảng không thể thiếu được của một Âu châu độc lập về quân sự.

Nhưng lập trường của ông Blair là thế nào? Là chỉ có một cực thôi, cực Tây phương, khối Tây phương, trong đó Âu châu hợp tác với Mỹ. Trong thực tế, Pháp cũng không thể đi xa hơn, và lực lượng 60.000 người kia cũng chỉ nhắm mục đích dựng xây một "cực" Âu châu trong lòng NATO có khả năng can thiệp tự túc lúc nào NATO không thể hoặc không muốn can thiệp (21).

Nếu không phải là một cực, Âu châu có phải là đối trọng của Mỹ không? Ðối trọng? Ấy là con rắn độc mà phe tân bảo thủ chung quanh ông Bush muốn đập bể đầu. Richard Perle cảnh cáo: đối trọng là chống đối, là giới hạn, là ngăn chận Hoa Kỳ; "đó không phải là ý nghĩ của tôi về đồng minh". Ông đe: "thế mà đó là đề tài nằm tiềm tàng tận trong sâu thẳm của tư tưởng Âu châu" (22). Âu châu cãi lại: đó là đề tài nằm trong sâu thẳm của tư tưởng Hoa Kỳ đấy chứ, bởi vì đó là khái niệm căn bản của hiến pháp nước Mỹ! Cãi nhau vô ích, vì ông Perle đã nói rằng nguyên tắc văn minh ở bên trong không áp dụng cho thực tế rừng rú ở bên ngoài.

Nhưng đối trọng có phải là mục tiêu của Âu châu không? Cũng không! Ông Chris Patten, đặc trách ngoại giao trong Ủy Ban Âu châu thanh minh: ấy, sao lại gán cho chúng tôi cái "tham vọng điên rồ" đó? Và ông cắt nghĩa :"Khi tôi dùng chữ "đối trọng" để nói về vai trò của Âu châu đối với Mỹ, tôi cũng nói đến "người hợp tác". Tôi không bao giờ phát biểu tham vọng Âu châu sẽ trở thành siêu cường. Ðó là một tham vọng điên rồ và một cách nhìn thế giới vô cùng lỗi thời" (23).



-- (Sáu Bi Da @ Saigong.Net), January 29, 2005.


Response to NƯỚC MỸ CHÚA TỂ

Ðối trọng? Một tác giả Pháp có uy tín đưa hai tay lên trời: thế thì vinh dự cho Âu châu quá! Vinh dự cho Âu châu được ông Robert Kagan so sánh với Mỹ trên tiêu chuẩn sức mạnh.

Thực ra, không phải Âu châu yếu; Âu châu dửng dưng! Âu châu không có tham vọng chi phối hoàn cảnh thế giới ở bên kia biên giới của mình, và như thế không phải vì thiếu phương tiện mà vì từ nửa thế kỷ nay, Âu châu đã quá quen thói nhìn Mỹ bảo đảm trật tự thế giới đến nỗi chẳng còn biết nghĩ gì nữa trên lĩnh vực này. "Không phải Âu châu khác Mỹ vì yếu, mà khác vì không có tham vọng ... Không phải Âu châu có một chính sách khác Mỹ; Âu châu chẳng có chính sách gì cả" (24).

Ðối trọng! "Các chính quyền Âu châu sẽ không kết hợp nhau để chống lại Mỹ. Nếu được lựa chọn giữa việc mất ân sủng của Hoa Thịnh Ðốn và việc thắt chặt đoàn kết ở Bruxelles, nhiều nước thành viên của Liên Hiệp Âu Châu sẽ lựa chọn Hoa Thịnh Ðốn. Liên hiệp nhau với mục đích chống Mỹ sẽ chia rẽ nhau hơn nữa, chứ không thống nhất Âu châu hơn" (25).

Không đa cực, cũng không đối trọng, vậy thì Âu châu làm gì đây trước sức mạnh của Mỹ? Âu châu là gì của Mỹ? Trả lời : không phải là kẻ đồng lõa với Mỹ trong mọi tình huống mà là người hợp tác, partenaire, nghĩa là không phải gọi dạ bảo vâng, có khi gật đầu mà cũng có khi lắc. Chính cái lắc đầu đó là cái mà ông Perle không chấp nhận, bởi vì như thế là contrepoids, đối trọng! Cãi nhau là trên chỗ ấy. Âu châu nói: tôi là kẻ hợp tác, nghĩa là hợp tác đích thực. Ðể làm gì? Nhiều cách trả lời, nhưng tựu trung đều một ý. Ngưòi thì nói: để hiện hữu một cách độc lập (26).

Người thì nói: để "tạo ra một Âu châu nằm trong Tây phương mà ảnh hưởng lên Mỹ và làm chiếc cầu nối kết với những dân tộc mà nước Mỹ cứ xa dần mỗi ngày" (27).

Nhưng Pháp và Ðức có cộng tác được với nhau để xây dựng một Âu châu như vậy không? Ðố ai dám nói chắc. Ai lạc quan thì thấy Ðức có khuynh hướng độc lập hơn với Mỹ, thấy Ðức không thể chia sẻ những quan tâm toàn cầu của Mỹ. Mỹ cố lôi Ðức vào vòng tay của mình để "cùng nhau hợp tác lãnh đạo", partenariat dans le leadership, Ðức xua tay, lạy anh, em chả dám. Ðức chỉ có thể theo đuổi một chính sách toàn cầu với Mỹ trong khuôn khổ Âu châu mà thôi. Ở chính giữa Âu châu, an ninh của Ðức dính liền với ổn định của Âu châu, nghĩa là của Âu châu thống nhất.

Mà Âu châu thống nhất, Âu châu chính trị, Ðức chỉ có thể tạo ra với Pháp. Ấy là lối nhìn lạc quan. Nhưng xa Mỹ để đi với Pháp cũng liều như đánh xì phé. Cho nên ai bi quan thì thấy "các chính quyền Ðức lắc qua lắc lại giữa những cú xì phé và nỗi lo dấn thân quá xa" (28). Vả chăng, cái nhìn về Âu châu của Pháp và Ðức có giống nhau đâu. Giữa triển vọng Âu châu mà Ðức muốn thực hiện và vị thế thống trị của Mỹ ở Âu châu, Ðức thiếu phương hướng rõ rệt.

Bởi vậy, trả lời dứt khoát thế nào đây cho câu hỏi nhất cực hay đa cực? Nói khơi khơi nửa nếp nửa tẻ là hay nhất: "một châu Âu thực sự là Âu châu sẽ không phải là kết thúc mà là khởi đầu của hợp tác liên- Ðại Tây Dương" (29). Thậm khéo! Nghĩa là muốn hợp tác đích thực, châu Âu phải là Âu châu đã. Nhưng Mỹ có để cho châu Âu thành Âu châu không? Peer competitor!

Chính vì châu Âu chẳng biết khi nào trở thành Âu châu, nghĩa là trở thành một cực, cho nên đa cực chỉ là nói cho khỏi ấm ức; trên thực tế, "đa cực" chỉ có nghĩa là đa phương. Chris Patten nói rất rõ: nếu anh là lãnh tụ thế giới, và nếu anh để cho tăm tiếng của anh tan rã khắp nơi, chắc chắn anh không khỏi phiền lụy. Cũng vậy, anh là Number One cho nên anh được e dè, kính nể, nhưng đồng thời anh cũng gây ra ganh ghét, sợ hãi, khước từ. Anh đang chất thêm củi vào lửa "chiến tranh văn minh" rất nguy hiểm cho cả anh và tôi. Tôi không muốn chết thiêu với anh trong đó, cũng không muốn anh bị thù ghét nữa.

Tôi muốn cộng tác với anh để lấp bằng hố sâu với thế giới Hồi giáo, để giải quyết vần đề Irak sau chiến tranh, vấn đề Bắc Hàn, để thành công với anh ở Afghanistan, để bàn bạc với anh một cách hợp lý hơn vấn đề Iran. Tóm lại, "chúng ta có thể hợp tác với nhau một cách đa phương mỗi khi thấy có thể làm được, và, nếu không làm được thì chúng tôi lấy trách nhiệm về phần chúng tôi ở Âu châu" (30). Nhưng "lấy" có được không? Mỹ có để cho "lấy" không? Patten chỉ có thể kết luận với một nguyện vọng: "Dù sao, tôi cũng mong rằng nước Mỹ sẽ tiếp tục đem đến cho thế giới sự lãnh đạo độ lượng mà chỉ có nước Mỹ làm được mà thôi như một siêu cường lần đầu tiên trong lịch sử của nhân loại" (31). Khéo nói quá !

Ða phương: chỉ có thế Âu châu mới kiếm được chút chỗ đứng dưới mặt trời rồi nhân đó mới ngoi lên. Bàn cờ thế giới hiên nay đang diễn ra cái nước đi ấy. Ông Bush đơn phương là để chận Âu châu không cho nó ngoi lên. Chirac phản ứng để Âu châu khỏi chết yểu về chính trị. Lý luận đưa ra chỉ nhắm vào điểm ấy: đơn phương là không thể thực hiện được trong mọi trường hợp; đa phương là cách xử thế nằm chính trong bản chất của các vấn đề trên thế giới hiện nay, dù là môi trường, ma túy, phóng nhiễm nguyên tử hay khủng bố. Mỹ có bom đạn thì Âu châu có tiền: ai chi tiền nhiều hơn ở Balkans, ở Palestine nếu không phải là Âu châu? Một mình nước Mỹ không giải quyết được mọi vấn đề, trước sau gì rồi cũng phải cậy đồng minh.



-- (Sáu Bi Da @ Saigong.Net), January 29, 2005.


Response to NƯỚC MỸ CHÚA TỂ

Nhưng nói thế thì, nghĩ cho cùng, cũng chẳng làm mếch lòng gì chúa tể. Ngồi vào bàn ăn, ông chủ có thể chọn thực đơn hay gọi từng món. Ðơn phương hay multilatéralisme à la carte có khác gì nhau đâu, chính yếu là ý muốn của ông chủ, là tự do chọn lựa. Cứ xem chuyện Irak với Bắc Hàn: cùng là "khủng bố" cả, "nhà nước côn đồ" cả, nhưng để giải quyết tranh chấp với Bắc Hàn, Mỹ đã chẳng chọn đa phương với Trung Quốc đó sao? Anh này mới thật là peer competitor, có cơ thành ra một cực. Âu châu, còn lâu!

IV Trung Quốc có phải là một cực? Ðây cũng là đề tài nóng bỏng của các tác giả ở Bắc phương. Vào khoảng 1993, họ nhìn trận đồ trên thế giới như diễn ra dưới cái thế "nhất siêu đa cường": sức mạnh đang chuyển từ Mỹ qua Trung Quốc, Âu châu, Nhật, Nga và vài nơi khác nữa. Ða cực là khuynh hướng (32). Ðó là thời gian mà Pháp nhìn Trung Quốc như kẻ đồng thanh tương ứng. Ðến cuối những năm 90 thì các tác giả Trung Quốc thấy thực tế dường như đi ngược lại: "anh Siêu thì siêu hơn, các anh Cường thì kém cường đi" (33). Ða cực, vì vậy, sẽ là "một diễn biến dài và quanh quẹo". Dài là bao lâu? Có người bảo: từ 10 đến 15 năm. Có người thận trọng hơn: 50 năm! Tất nhiên cũng có người cộng lại chia hai: từ 20 đến 30 năm. Ðó là thời gian mà ông Clinton tấn công Trung Quốc về mặt nhân quyền, liên hệ vấn đề này với vấn đề công nhận điều khoản tối huệ quốc cho Bắc Kinh. Ðâu có dùng hard power với Trung Quốc được, ông ra chiêu soft. Chiến tranh ở Kosovo khiến các tác giả Trung Quốc e ngại hơn nữa. Mỹ can thiệp dưới chiêu bài nhân đạo, nhân quyền, biến can thiệp về nhân quyền thành luật lệ, thể chế, gạt chủ quyền quốc gia ra ngoài xó Hiến chương LHQ, đột phá "phòng tuyến cuối cùng" (34) của các nước ở ngoài cực ý thức hệ của Mỹ. Giữa engagement và containment trong chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc, các tác giả Trung Quốc càng ngày càng thiên về cách nhìn cho rằng Mỹ muốn áp dụng chính sách thứ hai, nhất là khi Bush lên cầm quyền.

Biến cố 11-9 xoay ngược tình huống. Ðang căng, Bush bỗng làm hòa để kéo Trung Quốc vào "chiến tranh không bao giờ dứt" chống khủng bố. Khủng bố cũng là vấn đề của Trung Quốc: hiểm họa ly khai Hồi giáo ở Tân Cương, trái bom nguyên tử và trái bom Hồi giáo quá khích ở Pakistan, căng thẳng giữa Pakistan và Ấn Ðộ ... Có kẻ thù chung, có cớ để gần nhau. Hòa hoãn và hợp tác với Mỹ trở thành chính sách của Trung Quốc từ 2001.

Nhiều người đặt câu hỏi: ý muốn hòa hoãn đến từ ai trước? Có người trả lời: từ Bush. Khi tranh cử thì cứng rắn để lấy phiếu, khi lên cầm quyền thì phải trung dung để khỏi vỡ đầu trước thực tế. Có người bảo: từ Trung Quốc. Trước cứng rắn của Bush về Ðài Loan, về Nhật Bản, Bắc Kinh hòa dịu. Có người công nhận điều đó nhưng nói thêm: ta hòa hoãn với Mỹ vì ta tin ở ta hơn, tin ở sự vững chắc của ta trên thế giới và ảnh hưởng của ta trong vùng. Phát triển hơn về kinh tế, uy tín hơn về chính trị vùng, bang giao sáng sủa đặc biệt với Hàn Quốc, tương quan tích cực hơn với Nga, với các nước Trung Á, Nam Á, hội nhập trơn tru vào WTO, Thế Vận Hội 2008 ở Bắc Kinh ... bao nhiêu thành tích thu được! Hai cách giải thích cuối cùng đưa đến cùng một kết luận: khi nào Trung Quốc thấy cần hợp tác và hòa hoãn với Mỹ thì tứ xứ chung quanh cũng được hưởng ơn mưa móc thuận hòa theo (35). Mới đây, cuối tháng sáu, Trung Quốc còn ký hiệp ước với Ấn Ðộ thành lập con đường thương mại xuyên qua Sikkim mà hai bên tranh chấp về chủ quyền sau khi Ấn sát nhập vào lãnh thổ mình năm 1975.

Tất nhiên đây chỉ là một giả thuyết, nhưng, dù sao, phần đông tác giả cho rằng trước một Bush cứng rắn, Trung Quốc đã khéo léo quẹo một vòng qua bên phải mà không mất thể diện chút nào. Từ đó đến nay, đường chiến lược của Trung Quốc là lại gần với Mỹ. Ít nhất hai lý do giải thích thái độ này. Một là Trung Quốc mua thời gian để mạnh về kinh tế, nhất là trong giai đoạn kinh tế mở cửa cho toàn cầu hóa và đồng thời mở cửa cho xáo trộn xã hội nghiêm trọng. Hai là Trung Quốc mua ôn hòa của Mỹ trong thế trận với Ðài Loan để giữ vững nguyên trạng, nghĩa là nguyên trạng có lợi cho Bắc Kinh vì Bắc Kinh không ngừng tân trang hỏa tiễn chĩa vào hòn đảo (36).

Chính trong thời gian sửa đổi chính sách này (thừa nhận đa cực như hoài vọng, nhất cực như thực tế; hợp tác là căn bản; ổn định môi trường chung quanh là cần thiết) mà thế giới và lân bang chứng kiến ngoại giao Trung Quốc bỗng nhiên thu nhận đa phương vào tập tục. Trung Quốc vuốt ve ASEAN, vỗ về các thành viên, trấn an họ về tham vọng ở Biển Ðông, tham gia hội họp ARF (tổ chức an ninh vùng của ASEAN) tuy vẫn không ngừng chủ trương rằng an ninh là lĩnh vực bàn cãi tay đôi, đề nghị xây dựng Tổ chức hợp tác Thượng Hải với các nước ở biên thùy Trung Á ... Trong thế giới nhất cực, đa phương là đường lối duy nhất còn lại để chống bá quyền của chúa tể. Trên điểm này, nhận định của Trung Quốc không khác Pháp. Và bởi vì không khác nên cả hai đều nhấn mạnh sự quan trọng của tổ chức đa phương cao nhất là LHQ. Lính Trung Quốc có bao giờ đội mũ xanh đâu, thế mà bây giờ Bắc Kinh kèn trống vênh vang gởi một đoàn mũ xanh qua tận Congo. Ðó là tháng giêng 2003, đúng là gần Tết.

Thế nhưng đạo đa phương của Trung Quốc cũng là đạo của nước lớn. Cũng là mũ xanh, nhưng khi LHQ muốn gởi mũ xanh qua Macédoine thì Bắc Kinh phủ quyết. Tại sao? Tại vì nước này công nhận Ðài Loan. Hội Ðồng Bảo An muốn xem xét tranh chấp nguyên tử ở Bắc Hàn? Không được! Bắc Hàn là vùng ảnh hưởng của Trung Quốc. Ða phương như thế, báo chí Pháp gọi là "đa phương cùn" (37), nhất là khi so sánh thái độ của Pháp và thái độ của Trung Quốc trong vụ Irak: Pháp tích cực bảo vệ uy thế của LHQ; Trung Quốc bảo vệ LHQ trong chừng mực chuyện đó không làm hại bang giao song phương đang tốt với Mỹ. Cho nên Trung Quốc đứng nấp sau lưng Pháp, nhường vai trò minh tinh cho Pháp, riêng mình "bất đồng ý với Mỹ nhưng với miệng cười" (38). Trong ba tháng đầu của năm 2003, cách thức nổi bật nhất để xử lý vụ Bắc Hàn và Irak là cái máy điện thoại. Bush gọi Giang trong tháng giêng, tháng hai, rồi gọi Hu (Hồ Cẩm Ðào) tháng ba; Powell gọi Tang tháng giêng. Lí Triệu Tinh, bộ trưởng ngoại giao mới, gọi Powell tháng ba. Cũng tháng ba, Powell gọi Tang, bây giờ là cố vấn. "Hello ! Bush đó hả? Hẩu lớ! Hu đây!" Ðường dây trực tiếp thiết lập một thứ quan hệ song phương thân hữu mà có tác giả đã gọi là "telephone diplomacy" (39).

V Ðơn phương, đa phương: chuyện đó có liên quan gì đến Việt Nam không? Có chứ ! Dưới sức mạnh của chúa tể, ai mà chẳng thấy áp lực ! Nhìn đâu cũng thấy, nhất là từ sau đại thắng Irak. Ở Trung Ðông, ông Bush đang ép hai bên Israel và Palestine nhượng bộ lẫn nhau. Nếu ông thành công, không chừng thế giới hết dám cười thầm chủ trương thay đổi bản đồ chính trị của ông trong vùng nóng cháy này. Ở Âu châu, Pháp tìm mọi cách để làm lành, nước nào cũng nhũn nhặn, biết điều, biết cao thấp. Làm lành, trước hết là thừa nhận quan điểm của Mỹ. Thừa nhận quan điểm của Mỹ, trước hết là trực tiếp xem quan tâm của Mỹ là quan tâm hàng đầu của chính mình và, qua đó, gián tiếp xem hành động của Mỹ ở Irak là chính đáng. Hội Ðồng Âu châu, họp ở Thessalonique (Hy Lạp) ngày 21-6 vừa qua, đã biết điều như vậy: đã biểu quyết về đường lối căn bản chống lại việc phóng nhiễm vũ khí tận diệt; đã đặt nền móng cho một "chiến lược an ninh Âu châu" mà hậu quả trên thực tế là tạo tính chính đáng cho hành động phòng ngừa của Mỹ; đã ăn nói cứng rắn với Iran, khác với lối chơi ôn hòa trước đây (40). Ở Á châu, cũng trong tháng 6, quan tâm của Mỹ cũng được thỏa mãn tại hội trường ARF. Hơn thế nữa, sau khi Powell đe dọa trừng phạt bọn "côn đồ" đang cầm quyền ở Miến Ðiện, ASEAN yêu cầu họ phải trả tự do nhanh chóng cho bà Aung San Suu Kyi (41).

Trong ba biểu hiện nổi bật nói từ đầu bài của chiến lược Mỹ, biểu hiện thứ ba có liên quan đến Việt Nam. Nhân quyền không phải là đề tài mới. Cái mới là tính cách trần trụi trong việc định nghĩa giá trị, nhân quyền, tính chính đáng hiện nay. Tính chính đáng (légitimité), dù đến từ luật hay từ đạo đức, đều phải đặt tiêu chuẩn trên giá trị của nước Mỹ, căn cứ trên hiến pháp Mỹ, trên ý muốn của dân tộc Mỹ, chứ không phải trên một cơ quan nào ở cao hơn, dù là một tổ chức đa phương như LHQ hay một luật pháp toàn cầu trừu tượng. Robert Kagan đã viết như thế, và thực tế đã diễn ra như thế. Mẫu mực giá trị của nước Mỹ là mẫu mực của toàn cầu. Còn như ai muốn biết giá trị đó cụ thể là gì lúc này, xin hỏi các lobbies nòng cốt đang cộng sinh với thế lực tân bảo thủ chung quanh ông Bush, đang cùng với tả hữu của ông định nghĩa thế nào là thiện, thế nào là ác, thế nào là khủng bố, thế nào là thánh chiến, thế nào là tôn giáo, thế nào là nhân quyền (42).

Tôi đã nhiều lần phát biểu ý kiến về chuyện này, có nói thêm nữa cũng chỉ nhắc lại mà thôi. Vậy xin phép nhắc lại một câu: chúng ta phải thay đổi, và bởi vì thay đổi là không thể tránh được, hãy giữ độc lập của ta bằng cách đoàn kết mà thay đổi, thay đổi trong sức mạnh của toàn dân, không phải dưới áp lực từ bên ngoài. Lại xin nói thêm: hơn bao giờ hết, "toàn dân" phải hiểu là bao gồm cả khối dân tộc ở ngoài nước. Tầm quan trọng lớn lao của khối này chưa hề được hiểu đúng mức. Bởi vì muốn hiểu đúng người khác thì phải hiểu họ từ trong bụng của họ, chứ không phải hiểu họ từ trong bụng của ta. Thời điểm ngày hôm nay bắt buộc cái bụng này phải nghe cái bụng kia, nghe với quan tâm cùng nhau định nghĩa quyền lợi tối cao của dân tộc. Mà không phải định nghĩa trừu tượng đâu, vô ích. Ðịnh nghĩa qua từng sự việc cụ thể, bởi vì chỉ như vậy tin tưởng mới vượt lên trên chia rẽ, hận thù, đạo đức Việt Nam mới thắng "đạo đức" đế quốc.

********************************************************************* ********************************************************************* ************************* Chú thích

(1) Trích trong: Michael J. Glennon, Why the Security Council failed, Foreign Affairs, May-June 2003.

(2) (3) (4) Warren Christopher, America 's Leadership, America 's Opportunity, Foreign Policy, Spring 1995.

(5) Xem trong: The National Security Strategy of the United States of America, do Chính Phủ Mỹ phát hành rộng rãi vào tháng 9-2002. Tất cả những gì gọi là "chủ thuyết Bush" đều nằm trong đó.

(6) (7) Stephen G. Brooks và William C. Wohlforth, American Primacy in Perspective, Foreign Affairs, July-August 2002.

(8) Timothy Garton Ash, L'anti-européanisme en Amérique, Commentaire, n°101, Printemps 2003. Ðây là một lối chơi chữ. EU là chữ viết tắt của European Union, Liên Hiệp Âu châu.

(9) Robert Kagan, Power and Weakness, Policy Review, June-July 2002. Quyển sách của ông tựa đề là : Of Paradise and Power (Knopt 2002) dịch ra tiếng Pháp dưới tựa đề: La Puissance et la Faiblesse. Les Etats-Unis et l'Europe, Commentaire/Plon 2002.

(10) Xem R. Kagan, sđd, và Daniel Vernet, Impérialisme postmoderne, Le Monde, 25-4-2003.

(11) Owen Harries, tác giả người Úc, nói trước về sự suy sụp của "Tây phương" từ mười năm nay trong bài: The Collapse of the West, Foreign Affairs, September-October 1993.

(12) Francis Fukuyama, Craquements dans le monde occidental, Le Monde, 16-8-2002.

(13) Robert Kagan, The Benevolent Empire, Foreign Policy, Summer 1998.

(14) Thật ra, chính sách này đã được vạch ra từ 1992, lúc Liên Xô vừa sụp đổ, lúc mà tác giả tân bảo thủ Charles Krauthammer sáng tác ra mấy chữ "thời điểm nhất cực" trong The Unipolar Moment. America 's and The World, Foreign Affairs 1990-91. Trong một tài liệu quan trọng, Lầu Năm Góc viết: "Mục tiêu thứ nhất của chúng ta là phải tập trung vào việc ngăn chận sự trỗi dậy của bất cứ cường quốc nào có triển vọng trở thành kẻ cạnh tranh với ta trong tương lai" (John Mearsheimer, The Future of the American Pacifier, Foreign Affairs, September-October 2001).

(15) Xem Thierry Montbrial, Refonder la relation transatlantique, Le Monde, 14-6-2003.

(16) Tom Barry, The US Power Complex: What's New, Foreign Policy Focus, Special Report, Novemb 2002, http//www.fpif/papers/02power/index.body.html

(17) Jacques Isnard, Le Pentagone rêve d'une armée "anti-chaos", Le Monde 27-5-2003.

(18) trích bởi Michael J. Glennon, bài đã dẫn.

(19) Christopher Layne, Offshore Balancing Revisited, The Washington Quarterly, Spring 2002.

(20) M. Glennon, đã dẫn.

(21) Xem phỏng vấn bà bộ trưởng quốc phòng Michèle Alliot-Marie trong Le Monde 15/16-6-2003.

(22) Chris Patten § Richard Perle, Les relations entre l'Europe et les Etats-Unis, Commentaire, n° 101, Printemps 2003, trang 11.

(23) như trên, trang 14.

(24) (25) Christophe Bertram, Faiblesse de la puissance. Réponse à Robert Kagan, Commentaire như trên, trang 29.

(26) J. Andréani trong Commentaire vừa dẫn.

(27) Pierre Hassner, Etats-Unis-Irak-Europe: le troisième round, Le Monde, 26-4-2003.

(28) (29) Karl Lamers, L'avenir du monde occidental, Le Monde 10-6- 2003. Tác giả là một nhân vật quan trọng đã từng đặc trách ngoại giao của nhóm dân biểu đảng Dân chủ thiên chúa trong Quốc Hội Ðức.

(30) (31) Chris Patten, bài đã dẫn.

(32) Yong Deng, Chinese 's Perceptions of US Power and Strategy, Asian Affairs, Fall 2001.

(33) Xem Wang Jisi, Building a Constructive Relationship, trong: Morton Abramowitz, Funabashi and Wang Jisi, China-Japan-US: Managing the Trilateral Relationship (Tokyo-NewYork, Japan Center for International Exchange, 1998) trang 22.

(34) Yong Deng, bài đã dẫn.

(35) Robert Sutter, China 's Rise in Asia. Are US Interests in Jeopardy? CSIS, Pacific Forum, PacNet Newsletter 7-3-2003.

(36) (37) Frédéric Bobin, Le multilatéralisme inachevé de la Chine, Le Monde, 26-3-2003.

(38) (39) Lập trường của Bắc Kinh là giải giới Irak nhưng chống chiến tranh. Bắc Kinh vẫn giữ lập trường đó ngay cả sau khi Bush tuyên bố tối hậu thư 48 giờ. Bộ trưởng ngoại giao Tang Jiaxuan nói với Powell trong điện thoại rằng Trung Quốc muốn chấm dứt ngay chiến tranh để vấn đề Irak có thể tìm được một giải pháp chính trị. Xem Bonnie S. Glaser, US-China Relations: China and the US. Disagree, but with Smiles, trong: Brad Glosseman § Vivian Brailey Fritschi (ed.) Comparative Connections, A Quarterly E.Journal on East Asian Bilateral Relations, Vol. 5, N° 1, First Quarterly 2003 trang 31.

(40) Về God 's Lobbies, xem: William Martin, The Religious Right and Foreign Policy, Foreign Policy, Spring 1999.

(41) Patrick Jarreau et Laurent Zucchini, Un certain apaisement euro- américain, Le Monde, 26-6-2003. Xem thêm bình luận về phúc trình của Javier Solana trong bài: Une doctrine de sécurité commune justifie l'"action préventive", Le Monde 21-6-2003.

(42) La diplomatie américaine marque des points en Asie du Sud-Est, Le Monde 19-6-2003.



-- (Sáu Bi Da @ Saigong.Net), January 29, 2005.


Response to NƯỚC MỸ CHÚA TỂ

Politics of the United States

The United States of America consists of fifty states with limited autonomy in which federal law takes precedence over state law. In general, matters that lie entirely within state borders are the exclusive concern of state governments. These include internal communications; regulations relating to property, industry, business, and public utilities; the state criminal code; and working conditions within the state. The District of Columbia falls under the jurisdiction of the US Congress, and has limited home rule.

The various state constitutions differ in some details but generally follow a pattern similar to that of the federal Constitution, including a statement of the rights of the people and a plan for organizing the government. On such matters as the operation of businesses, banks, public utilities and charitable institutions, state constitutions are often more detailed and explicit than the federal Constitution. In recent years, the federal government has assumed broader responsibility in such matters as health, education, welfare, transportation, housing and urban development.

The United States Capitol in Washington, DC, home of the U.S. Congress, thelegislative branch of the government of United States.

The federal government itself consists of three branches: the executive branch (headed by thePresident), the legislative branch (the U.S. Congress), and the judicial branch (headed by the Supreme Court). The President is elected to a four-year term by the Electoral College, which is chosen through popular votes in the fifty states and the District of Columbia. The various legislators are chosen by popular vote in the 50 states. Members of Congress are elected for terms of two years in the House of Representatives and six years in the Senate. Justices of the Supreme Court are appointed by the President with the consent of the Senate for an unlimited term. This tripartite model of government is generally duplicated at the state level. Local governments take various forms.

The federal and state governments are dominated by two political parties, the Republicansand the Democrats. The dominant political culture in the United States is, as a whole, somewhat to the right of the dominant political culture in European democracies, Latin America and indeed most countries in the world though the issues at odds are somewhat different. Given their complex support bases it is difficult to specifically categorize the two major parties' appeal. Within the United States political culture, the Republican Party is described as center-right and the Democratic Party is described as center-left. Minor party and independent candidates are very occasionally elected, usually to local or state office, but the United States political system has historically supported "catch-all parties" rather than coalition governments. The ideology and policies of the sitting President of the United States commonly play a large role in determining the direction of his political party, as well as the platform of the opposition.

Political parties in the United States do not have formal "leaders" like many other countries, although there are complex hierarchies within the political parties that form various executive committees. Party ideology remains very individually-driven, with a diverse spectrum ofmoderates, centrists, and radicals within each party.

The two parties exist on the federal, state, and local levels, although the parties' organization, platform, and ideologies are not necessarily uniform across all levels of government.

Both major parties draw some support from across the diverse socio-economic classes that compose the United States' multi-ethnic society. Business interests provide the bulk of financial support to both parties, generally favoring the Republican party. The Republicans generally receive more funding and support from business groups, religious Christians, and rural Americans, while the Democratic party receives more support from labor unions and minority ethnic groups. Because federal elections in the United States are among the most expensive in the world, access to funds is vital in the political system. Thus corporations, unions, and other organized groups that provide funds and political support to parties and politicians play a very large role in determining political agendas and government decision-making.

The immense military, economic, and cultural dominance of the United States has madeforeign relations an especially important topic in its politics, with considerable concern about the image of the United States throughout the world.

-- chien si (Chiensidietcong@yahoo.de), January 29, 2005.


Response to NƯỚC MỸ CHÚA TỂ

The United States Constitution makes provision for the rights of freedom of speech, the right to keep and bear arms, freedom of religion, trial by jury, and protection from "cruel and unusual punishment." The United States accepts many immigrants and has laws againstracial and other forms of discrimination and other protections for minority groups.

Nevertheless, the United States has at times been criticized for violations of human rights, including racial discrimination in trials and sentences, police abuses, excessive and unwarranted incarceration, and the imposition of the death penalty ². In 2001, Human Rights Watch issued a report stating that United States had "made little progress in embracing international human rights standards at home." [1]

As of 2004, the United States has possibly the world's largest prison population at over 2 million inmates; note, however, that China in particular is suspected of not releasing accurate figures, or of failing to document some prisoners. The International Centre for Prison Studies places the United States' per-capita incarceration rate first in the world, 620% higher than the neighboring country of Canada. Roughly 1 American in 15 will spend time in prison during his lifetime [2]. Some would argue that high incarceration rates reduce criminal offenses, as the crime rate in the United States has been declining for years. However, many other countries with lower and/or declining crime rates have a significantly less proportion of their citizens in prison, and some would rebut that such a simple relationship is unlikely.

A disproportionate number of US inmates are black and are significantly over- represented when compared to the national population [3]. The discrepancy is a 285%* difference between the national population and the inmate population. (*2000 Population by race [4],1997 Inmate population by race [5]). For admissions into the system, a black male is, on average, 8-10 times more likely than a white male to be sent to prison for drug offenses, and, in the state with the largest discrepenancy, Illinois, 57 times more likely [6].

The United States is one of the largest industrialized nations in the world without a nationalized healthcare system. At present, as many as 40 million Americans are not covered by health insurance although many of these are not citizens.

The United States' suicide rate exceeds its homicide rate, but is still lower than most other industrialized nations.

Routine infant male circumcision is legal and widely practiced, which has attracted some controversy over recent years.

A number of American-based corporations, perhaps most visibly McDonald's, Coca- Cola, and Disney, have spread to many other countries, some of which have displayed resentment at the spread of American culture. McDonald's particularly has been the subject of protest and even acts of vandalism.

Despite being only 5% of the world's population, the United States consumes 25% of the world's power. [7] In terms of per capita usage, the U.S. ranks ninth.

Partly because of the United States' status as one of the world's most powerful nations, theEnglish language has also spread worldwide. The concern that English is rapidly displacing other languages is widespread. Likewise, speakers of other dialects of English (for example in Britain and Australia) feel that their language is becoming "Americanised."

-- chien si (Chiensidietcong@yahoo.de), January 29, 2005.



Response to NƯỚC MỸ CHÚA TỂ

chời chời Tui muốn ói khi đọc cái bài trích dẫn của 6 bi da , Tui hổng rành tiếng Anh nên cóc cần biết các nhà Ngôn ngữ gọi nước Mỹ là cái quái gì

nhưng Tui biết tiếng Việt chỉ có 1 chử để gọi tình trạng của Mỹ ngày nay đó là " Siêu cường " Tổng thống Mỷ không khác gì Tổng Thống của cả địa cầu và dỉ nhiên Ông ta sẽ có tối đa 49% chống hay còn gọi là ghét và tối thiểu 51% thuận hay có thể nói là thích

còn vài 3 vụ lằng nhằng tại Irag thật ra chẵng ảnh hưởng gì đến vị trí của Mỷ cả , bởi Irag chỉ là một quốc gia có tiền & dốt nát , nhưng cái nhục nặng nhất có lẽ thuộc về đám " Bin la làng..( rồi nhủi ) " chống Mỹ thế quái nào mà để quân Mỷ càng lúc càng nhiều tại Trung Đông để rồi 20 năm sau sẽ có hàng hàng lớp lớp con dân trung đông lai Mỹ đưa ngón tay giữa vào tượng thánh Ala của chúng

-- cayhuong (cayhuong@vietcong.ngu), January 29, 2005.


Response to NƯỚC MỸ CHÚA TỂ

Good stuff...I just read the game theory point of view of the Cuban missile crisis, back in the days where world power was still shared (: between the USSR and the USA. It seems inevitable that the USA must use money to buy friends, and bombs, to destroy enemies. Alas!

-- Jubinell (Jube@Jube.Jube), January 29, 2005.

Response to NƯỚC MỸ CHÚA TỂ

Thằng Fidel Castro là 1 thằng khùng có gì để nói. Xã hội Cuba cũmng vẫnn còn nghèo đói.

Không có tiền của nào mua được Đồng Minh hết, chú mày Jubinell lại nghĩ quẩng.

Sau Đệ II thế chiến Staline của USSR đã có blue print dùng bàn đạp là các đảng CS và Xã hội để trong đánh ra ngoài Ho6`ng Quân Nga đánh dzo Western Europe.

-Tây Đức đã thức tỉnh hiểm họa là cộng sản là máu đổ để xây dựng con đường không tưởng Chủ Nghĩ Xã Hội, cái Model này nó đã failed ở ĐỨc, Pháp, Hà Lan, Bỉ, Ý , Greece, Turkey, UK, Norway, Dan họ đã thức tỉnh dân họ không mốn theo USSR Model nó sẽ làm băng họai nền văn minh của họ hàng trăm năm. Nên Mỹ qua Marshall Program Cứu đói giảm nghèo, xây dựng lại Kỹ nghệ phương Tây chỉ có chỦ thuyết tư Bản mới nghĩ như dzậy, có kỹ nghệ dân có công việc, cơm no áo ấm không theo tà đạo Cộng Sản và Mỹ cùng Đo6`ng Minh đã thành công tư Âu, Phi Châu tới Á Châu.

Cuối 1990 CS Nga đã bị băng hoại, dân NGa muốn làm lại từ đầu theo tư bản nênn họ đã can đảm vứt Karl Marx - Leni=Stalin vô đống rác xà hội.

Các Quốc gia theo chủ nghĩa Xã Hội từ Tầu, Cuba, Bắc Hàn Việt Nam kinh tế và văn hóa rất lụn bại không nói là chỦ thuyết xã hội đem về do súng nga Đạn Tầu để áp đạn lên nguyện vọng của nhân dân Việt Nam đã đưa Việt Nam đến Numero Uno về nghèo và Chậm tiến hiện nay.

Thực sự đế quyền Trung hoa và Nga dùng CNXH để tạo ra cá thuộc địa mới từ Âu Sang Á, Nga Tầu Muốn Indochina vì nó có nhiều tài nguyên thiên nhiên như Cao Su, Tin, Aluminum, Iron nên hai thằng đầu sỏ xúi Hồ về chiếm Việt Nam với tiền bạc Nga+Tầu và kết quả mua Đồng Minh kiểu này tạo ra cảnh chủ tớ có nghĩa Việt Nam CHXHCN là đầy tớc cho Giặc Nga + Tầu

Trong Khi khối NATO nó thịnh vượng cho đến hôm nay, chọn bạn mà chơi rất quan trọng, Hồ chọn phải ba thằng ă n cưp*'p Nga + Hoa mà Việt Nam mới như thế này , nếu khôn g có kiều bào gửi tiền về VN thì có lẽ bọn thủ lợn đã biến mất như bọn Khmer Đỏ Polpot và Hung Sen rồi

-- (Sáu Bi Da @ SaiGon.Net), January 30, 2005.


Moderation questions? read the FAQ