Bí ẩn mộ cổ ở TP HCM ( ho cho minh )

greenspun.com : LUSENET : Vietnamese American Society : One Thread

Bí ẩn mộ cổ ở TP HCM ( ho cho minh )

Từ mộ ông hoàng bà chúa đến mộ vô danh Hiện TP HCM đã phát hiện được 44 ngôi mộ cổ. Mỗi ngôi mộ in dấu một thời đại lịch sử, ẩn chứa một thân phận con người. Nhà khảo cổ Đỗ Đình Truật sẽ kể lại những điều ít người biết qua nhiều vụ khai quật ông có tham gia trực tiếp.

Có những ngôi mộ mà khi khai quật lên người ta nhanh chóng xác định được thân phận người nằm bên dưới, nhưng cũng có những ngôi mộ mà mãi mãi danh tánh người chết vẫn còn trong vòng bí ẩn.

Mộ của phó tổng trấn thành Gia Định với cái đầu bị chém

Năm 1980-1981, các chuyên viên khảo cổ được mời đến khai quật một ngôi mộ ô dước bề thế nằm ở Vườn Chuối, cư xá Đô Thành để giải phóng mặt bằng phục vụ cho việc thi công đường ống nước khu vực này. Dưới sự chỉ huy của nhà khảo cổ học Đỗ Đình Truật, sau nhiều ngày đục đẽo, tổ khai quật đã tìm thấy trong huyệt mộ một áo quan nằm trong một chiếc quách khá đồ sộ. Bao bọc bên ngoài phần quách là lớp hợp chất kiên cố dày 8 tấc (lớp hợp chất trong huyệt mộ trên đường Nguyễn Tri Phương, quận 10 chỉ dày 2 tấc). Hợp chất ô dước, quy mô ngôi mộ cùng cách an táng đã phần nào hé lộ vị thế của người nằm bên trong quan tài. Dự đoán ấy không sai khi áo quan mở ra, bên trong là một xác người còn mặc quần áo thụng vàng, trên cổ áo còn dấu vết máu, chân mang giày, vật tùy táng chỉ có một cây quạt.

Nhà khảo cổ học Đỗ Đình Truật nhớ lại: bộ xương ấy lập tức được bác sĩ Nguyễn Quang Quyền mang về giám định, kết quả cho thấy phần xương cổ có một vết cắt ngang, chứng tỏ người này đã bị chém đầu. Tổ khai quật nhận định người nằm trong mộ chắc chắn là một quan lớn và là nạn nhân của một vụ xử trảm.

Lần lại những biến cố của lịch sử, dần dần nhân thân của người nằm trong mộ đã được nhà khảo cổ Đỗ Đình Truật làm sáng tỏ. Đó chính là xác ông Huỳnh Công Lư, phó tổng trấn thành Gia Định xưa, do tham ô trong vụ án kênh An Thông, ông bị tổng trấn Lê Văn Duyệt xử trảm. Thủ cấp được đưa ra Huế trình với vua Minh Mạng, sau đó được trả về và chôn cùng với xác. Lúc này xác được tẩm ướp lại và chôn theo dạng trong quan ngoài quách. Sở dĩ có sự ưu ái này vì Huỳnh Công Lư chính là cha vợ vua Minh Mạng.

Hai chiếc đầu lâu trong mộ một thuộc hạ thân tín của Lê Văn Khôi

Nằm trong khu vực “cánh đồng mồ mả” xưa kia, ngôi mộ ô dước trên đường Ngô Quyền (gần ngã tư Ngô Quyền - 3 Tháng 2) có quy mô không kém ngôi mộ cổ vừa khai quật trên đường Nguyễn Tri Phương, quận 10 tuy kiến trúc đơn giản hơn.

Khi đào xuống huyệt mộ, một bất ngờ xảy ra khi tổ khai quật phát hiện trong lỗ huyệt không có quan tài mà chỉ có một bọc gấm. Chiếc bọc được mở ra, bên trong là hai chiếc đầu lâu, một lớn, một nhỏ, đã bị hủy hoại. Giám định xương sọ cho thấy đây là đầu của một người đàn ông khoảng 40-50 tuổi và một đứa trẻ ở tuổi vừa thay hết răng (khoảng 8-9 tuổi).

Quanh mộ còn sót lại một góc bia ghi dòng chữ Mạch Tấn Giai. Mất vài năm sau, danh tánh cũng như thân phận của hai người nằm dưới mộ mới được xác định. Năm 1834, khi cuộc khởi nghĩa của Lê Văn Khôi diễn ra, khoảng 1.500 tùy tùng của ông đã bị vua Minh Mạng ra lệnh giết sạch. Riêng 8 nhân vật “đầu sỏ” trong đó có Mạch Tấn Giai, một thuộc hạ thân tín của Lê Văn Khôi, bị đưa ra kinh thành Huế bêu đầu và xác được đưa vào Nam chôn. Con trai Mạch Tấn Giai tên Khôi lúc đó chỉ khoảng 8 tuổi cũng bị trảm theo cha. Vụ án bi thảm trên sau này được thấy ghi trong các báo cáo của cha cố ở Trung tâm Truyền giáo Anh - Ấn đặt tại Ấn Độ. Chính những tài liệu quư này (chỉ có ở Thư viện Quốc gia Hà Nội) đã giúp tổ khai quật tìm ra tung tích của hai chiếc đầu lâu trong mộ.

Luồng khí độc tỏa ra từ mộ hoàng tử Cảnh

Bất ngờ hơn là khi khai quật ngôi mộ cổ tại số 202 Hoàng Văn Thụ, quận Phú Nhuận. Nhà khảo cổ Đỗ Đình Truật kể lại rằng khi ông đục một lỗ trên huyệt mộ thì bất ngờ một luồng khí độc phun ra khiến ông ngã lăn bất tỉnh. May thay, giáo sư-bác sĩ Phan Bảo Khánh (ĐH Y Dược TP HCM) lúc đó cũng có mặt nên cấp cứu kịp thời. Công việc phải tạm hoãn cho đến hôm sau.

Để bảo đảm an toàn, nhà khảo cổ Đỗ Đình Truật nghĩ ra cách dùng xà beng sắt dài, đứng từ xa đục rộng lỗ huyệt sao cho vừa đủ một con gà chui vào. Sau đó, ông dùng dây buộc vào chân gà rồi lần lượt thả từng con chui vào huyệt mộ, đến khi giật dây kéo ra, con gà vẫn tỉnh táo, ông bắt đầu áp sát khu vực huyệt và khai quật quan tài. Kết quả giám định bộ xương cho thấy đây là xác của một thanh niên 26-27 tuổi, có dấu vết của căn bệnh đậu mùa. Tất cả những chi tiết trên đều hoàn toàn trùng khớp với cái chết của hoàng tử Cảnh. Tuy là con trai vua Gia Long nhưng cuộc đời hoàng tử Cảnh gặp khá nhiều éo le, lúc còn nhỏ bị đưa sang phương Tây làm con tin. Khi trở về nước, vua cha lại truyền ngôi cho Minh Mạng, hoàng tử Cảnh bị thất sủng và chết vì bệnh đậu mùa.

Là một vị hoàng tử, lại chết vì căn bệnh đậu mùa dễ gây truyền nhiễm nên mộ của hoàng tử Cảnh tuy bên ngoài được xây to lớn: ngang hơn 4 m, dài hơn 5 m, cao hơn 4 m, bia dựng bằng đá cẩm thạch nhưng xác lại được chôn sơ sài theo nguyên tắc “tiền chúa hậu dân”. Một chiếc áo quan bằng gỗ nhỏ bé, không có quách bảo vệ, quần áo chôn theo rất đơn giản, hoàn toàn không có tư trang. Khi an táng ông, người ta đã rải nhiều thuốc để tránh lây nhiễm, do đó khi khai quật lên, chất thuốc lâu ngày tích tụ thành khí độc.

Mộ vô danh thường chứa nhiều bí ẩn

Hiện chưa có cơ quan nào ở TP HCM thống kê trên vùng đất này còn bao nhiêu ngôi mộ cổ vô danh đang tồn tại lẫn trong các khu dân cư, trên đồng ruộng hay bị các công trình dân dụng xây chồng lên. Nhưng qua thực tế khảo cổ các ngôi mộ nói trên đã cho thấy chính những ngôi mộ vô danh này mới ẩn chứa nhiều điều bí ẩn liên quan đến lịch sử và có những giá trị nghiên cứu về lịch sử, khoa học, con người...

Bằng chứng là ngôi mộ bà Nguyễn Thị Hiệu, khu vực Xóm Cải, quận 5 và ngôi mộ cổ vô danh tại Hóc Môn do dân chúng tự khai quật là những ngôi mộ có xác ướp gần như còn nguyên vẹn. Đáng tiếc là khi cơ quan chức năng nghe tin, đến hiện trường thì ngôi mộ có xác ướp ở Hóc Môn đã bị mất một số đồ tùy táng có giá trị chứng minh về thân thế cũng như danh tánh của người nằm trong mộ.

Theo Người Lao Động, cho đến nay, việc nghiên cứu giải mã về kỹ thuật ướp xác của ông cha ta qua những xác ướp đã tìm thấy vẫn chưa chính thức được công bố. Nhưng chắc chắn đây là một kiểu ướp xác không như người Hy Lạp cổ đại và càng không phải sử dụng hóa chất của phương Tây.



-- baclieu 2002 (thomasph75@hotmail.com), December 04, 2004


Moderation questions? read the FAQ