Hành Trình Tìm Đến Bến Bờ Tự Do :::Friday, November 26, 2004 Trần Thân Thị Xuyên (Úc Châu)

greenspun.com : LUSENET : Vietnamese American Society : One Thread

Hành Trình Tìm Đến Bến Bờ Tự Do


Friday, November 26, 2004 Trần Thân Thị Xuyên (Úc Châu)



 Hình chụp bài báo trên tờ The Age (nhật báo lớn nhất nước Úc) viết về gia đình bà Trần Thân Thị Xuyên.

  >

Bài viết dưới đây của tác giả Trần Thân Thị Xuyên, một phụ nữ 69 tuổi, hiện gia đình bà đang sinh sống tại địa chỉ: 11 Carmyle Court Avondale Height VIC 3034, nước Úc. Bằng bút pháp dưới dạng hồi ký, tác giả đã kể lại hành trình tìm đến bến bờ tự do của đại gia đình bà sau biến cố 30 Tháng Tư năm 1975. Phải mất 15 năm sau biến cố đau thương này, đại gia đình bà mới sum họp trên “quê hương” mới. Bài viết dưới đây được anh Phạm Phú Ðức, con trai tác giả cung cấp cho Người Việt Trẻ để thực hiện trang báo đặc biệt này.

Trước năm 1975, hai vợ chồng tôi và 10 đứa con sống trong một thị xã nhỏ ỏ tỉnh Quảng Nam. Chúng tôi đều là giáo viên trong một trường Tiểu học. Các con tôi còn nhỏ đều được đi học. Cuộc sống của nghề giáo thật là êm ấm và hạnh phúc vô cùng. Chồng tôi vừa đi dạy, vừa làm thêm kinh doanh, nên cũng có thêm số tiền rồi mua nhà cho thuê. Tôi đi dạy một buổi, còn một buổi ở nhà phụ lo cho gia đình con cái. Hồi đó có thêm hai người giúp việc trong nhà. Sống trong một nước Việt Nam Cộng Hòa, mọi người được ăn no mặc ấm, đi lại nói năng tự do, con người rất là thoải mái, không có lo sợ một điều gì. Thời gian 21 năm dưới hai nền Cộng Hòa của cố tổng thống Ngô Ðình Diệm và Nguyễn Văn Thiệu, mọi người cũng như gia đình tôi đều vui vẻ hạnh phúc. Với mức lương của hai vợ chồng tôi cũng đủ nuôi 10 đứa con ăn học thành tài. Số tiền chồng tôi kinh doanh trong thời gian đó đã tậu được 10 căn nhà, một cái đang ở, và 9 cái kia cho thuê, định sau này các con lớn lên, sẽ cho mỗi đứa một căn để ở. Cuộc sống bình yên, ngày ngày đến trường dạy học, gặp học sinh, và bạn bè đồng nghiệp. Cảnh sống thanh bình êm ấm vui biết là bao. Tối về, gia đình sum họp bên bầy con ngoan 10 đứa, không có gì vui thú bằng. Những ngày nghỉ học, chồng tôi có nhờ một thầy giáo đến dạy kèm cho các con lớn học ở bậc Trung học. Các con tôi được sự chỉ bảo dạy dỗ của vợ chồng tôi, nên chúng rất là ngoan ngoãn, không hề làm gì buồn lòng cha mẹ.

Gia đình chúng tôi cũng như mọi người trong thị xã nhỏ, và cũng như những người trong nước Việt Nam Cộng Hòa đang sống êm ấm, tự do hạnh phúc, vui sướng biết là bao, thì đùng một cái, tiếng súng ầm vang các nơi hẻo lánh thôn quê. Quân Cộng Sản tiến quân vào xâm chiếm miền Nam. Trước đó thì Mỹ đã buông thả miền Nam rồi, nên quân đội Việt Nam Cộng Hòa, đặc biệt là các tướng lãnh cao cấp, không còn muốn chống cự nữa hay sao đó mà cảnh chạy loạn diễn ra. Dân chúng không biết đâu ra đâu, nên cũng chạy tán loạn. Mọi nhà mọi người cứ muốn chạy đi đâu thì tùy, chẳng có sự điều khiển nào cả, mạnh ai nấy chạy. Chồng tôi dẫn cả bầy con 10 đứa lên xe đò ra Ðà Nẵng để tìm đường vào miền Nam. Vì lúc đó nghe tin chia đất miền Trung cho Cộng Sản, còn Miền Nam Cộng Hòa thì từ Cam Ranh trở vô Cà Mau. Chúng tôi ra đến Ðà Nẵng, vào ở nhà của người bà con. Xong, chồng tôi lăn lộn đi mua tàu tư nhân để đi vào Nam. Nhìn thấy cảnh chạy giặc hỗn loạn ở bến tàu Ðà Nẵng, chúng tôi không dám đi. Thấy người trèo lên tàu, sẩy tay té rớt xuống sông bũm bũm mà kinh hoàng. Thuê được tàu tư nhân rồi, nên tối đó về lại nhà ngủ chờ sáng mai đi cho bình an, vì bên mình còn có 10 đứa con thơ dại. Tối hôm đó 28 Tháng Ba 1975 Việt Cộng pháo kích vào bến tàu Ðà Nẵng ầm trời. Hàng ngàn người chạy xuống bãi biển để đi. Có người đi không được phải chạy về kể lại nhiều chuyện rất là hãi hùng. Ôi cảnh chết chóc tang thương, cảnh cha mẹ lạc con, vợ lạc chồng, kêu khóc rất là rùng rợn. Gia đình tôi ở trong nhà bà con cũng không làm sao ngủ được. Chốc chốc lát lát, lại nghe tiếng người chạy đi người chạy về kể lại những cảnh hỗn loạn ở ngoài đường. Cảnh cướp giựt, phá nhà lấy của, của những người bỏ chạy, các kho gạo của tư nhân bị người ta vào khuân vác hết. Sau một đêm kinh hoàng, cảnh tượng Ðà Nẵng thật là hãi hùng.

Tảng sáng ngày 29 Tháng Ba 1975, gia đình tôi cũng còn hy vọng đi được xuống tàu. Nhưng đâu có ngờ đã trễ rồi. Các con tôi chạy bộ ra phố xem tình hình, thì ôi thôi chúng thấy những xe lính của Việt Cộng cờ đỏ sao vàng đã chạy rà rà trên đường phố Ðà Nẵng. Không có sự chống đối nào cả. Thế là Cộng Sản xâm nhập một cách dễ dàng. Chúng tôi cũng như mọi người dân không đi được, đều quay trở về nhà sống thầm lặng trong một chế độ Cộng Sản, mà hồi đó người ta gọi là Chính Quyền Giải Phóng Miền Nam.

Những ngày đầu tiên khi Cộng Sản chiếm lấy Ðà Nẵng Tháng Ba 1975, nhiều người cũng vui mừng, vì nghĩ rằng chiến tranh đã chấm dứt, không còn phải nghe những tiếng súng nổ, những tiếng đại bác pháo kích kinh hồn, hoặc những cảnh chết chóc đau đớn diễn ra nữa. Nhưng rồi, thời gian không bao lâu, cảnh vui mừng không còn nữa, mà thay vào đó là cảnh sống lo âu sợ hãi, buồn phiền của mọi người lại hiện ra trên nét mặt của những người còn ở lại, dầu không mấy ai dám nói ra. Cuộc sống thay đổi thấy rõ ràng. Mọi người đi đi lại lại đều bị kiểm soát. Nói năng, ăn uống phải giữ gìn từng li từng tí. Nét mặt lo âu của mọi người như thể không biết rồi đây sẽ ra sao! Bộ mặt của những tên cán bộ, công an cộng sản trông thật là hống hách. Họ hô hào chống đối “Ngụy quân Ngụy quyền”. Những chính sách độc tài của họ càng ngày càng thấy rõ. Họ cho công an đi đến từng nhà để kê khai lý lịch, kiểm kê tài sản. Gia đình tôi là thuộc những người ở lại có chút ít tài sản nhà cửa. Thấy cảnh nhà ở bên cạnh bị họ đến bảo dọn ra ngoài, đưa nhà cho cán bộ ở. Biết thế nào cũng đến gia đình mình, nên chồng tôi lén lút phân tán bớt tài sản gởi cho bạn bè. Vàng thì đem chôn cất ngoài vườn, cất giấu nhiều chỗ trong nhà, cả trên những bóng đèn tube cũng dấu vàng ở đó. Và đúng như dự đoán, vào một ngày của đầu năm 1976 (tôi không nhớ rõ ngày tháng) lúc khoảng 10 giờ sáng, có 2 người công an đến nhà tôi kiểm kê. Họ bảo kê khai hết là có bao nhiêu căn nhà. Tài sản trong nhà có những gì? Sau khi biết nhà tôi có 10 căn tại thị xã, chín căn cho thuê, một căn chúng tôi ở, thế là họ bảo: “Mỗi gia đình chỉ được ở một căn nhà thôi. Còn lại phải giao cho Nhà Nước”. Họ lấy hết giấy tờ nhà cửa và tịch thu từ đó. Xong đâu vào đấy, họ dẫn chồng tôi đi, bảo là đi “Học tập cải tạo” (chồng tôi không trình diện nên bị bắt đi cải tạo trễ hơn mọi người khác) và kết tội “làm tay sai cho Mỹ Ngụy, chống phá Cách Mạng”.

Thế là họ đã tiến nhanh, tiến mạnh với những từ “Ðánh bại tư sản mại bản”. Chồng tôi buồn phiền, đau khổ vô cùng. Chúng tôi không dám hó hé một lời. Bầy con 10 đứa còn dại, thấy cha mẹ buồn, tụi nó cũng buồn theo.

Phần tôi, thì họ cũng không cho đi dạy học nữa, bởi vì họ biết rằng ngoài vai trò là một giáo viên trung học, chồng tôi còn là một đảng viên Việt Nam Quốc Dân Ðảng, một đảng mà Việt Cộng thù nghịch nhất. Chúng tôi từ đó không có việc gì làm để sinh sống, nên bán từ từ vàng và đồ dùng để sinh sống qua ngày.

Chồng tôi bị đưa đi vào nhà lao ở thị xã, bị nhốt 4 tháng. Rồi sau đó bị đày trên núi Tiên Lãnh thêm 4 tháng nữa. Ở trong tù, chồng tôi biết rõ bản chất cộng sản nên ông không dễ dàng tin những lời hứa hẹn khoan hồng nếu thật thà khai báo với cách mạng v.v... Vì ông quá kín miệng và hoạt động kín đáo nên họ cũng chẳng biết ông đã làm gì để buộc tội một nhà giáo, tuy cũng là đảng viên Việt Nam Quốc Dân Ðảng.

Nhiều người Hoa, biết trước chế độ Cộng Sản, nên họ đã tìm cách mua tàu để tìm đường vượt biển ra nước ngoài, tìm cuộc sống tự do. Và từ đó những chuyến đi vượt biển lại diễn ra. Người người bắt đầu truyền miệng, và bí mật tổ chức ra đi. Ngày nào cũng có những chuyến đi, có người đi được, có người không đi được thì bị bắt, trói tay dẫn về đồn công an rồi cho vào tù. Gia đình chúng tôi cũng là một trong số người tìm đường ra đi. Vì tương lai của các con, vợ chồng chúng tôi phải tìm cho chúng cuộc sống tự do. Ðau lòng lắm, mới đành bỏ nước ra đi. Năm 1982, đứa con trưởng của tôi lập gia đình với cô gái người Việt gốc Hoa. Nhiều thành viên bên gia đình con dâu tôi đang sống ở Mỹ, vì thế vợ chồng chúng nó chờ đi Mỹ. Và cũng vào tháng 7 năm 1982, đứa con trai thứ nhì đi vượt biển được tổ chức tại Ðà Nẵng. Tiếp theo đó là 2 đứa con, một gái, một trai cũng đi lọt trong lần tổ chức nầy. Chúng tôi đền ơn họ tất cả là 9 cây vàng. Cả ba đứa đều đến được Hồng Kông, đứa đầu ở trại tự do Jubilee và hai đứa sau bị đưa vào trại cấm Chimawan. Tụi nó có điện thư về. Chúng tôi vui mừng bớt lo đi một phần. Thời gian đó chồng tôi (lúc đó đã đi “cải tạo” về rồi) thường bị gọi xuống phường xá làm kiểm điểm. Mỗi lần có họp tổ nhân dân vào buổi tối, họ lại đem chồng tôi ra làm tội, mắng nhiếc đủ điều về lý do đã cho các con bỏ nước ra đi.

Từ năm 1983 đến 1987, trong 4 năm theo dõi các tổ chức vượt biên, các con khác của chúng tôi đi đi về về không biết bao nhiêu lần, tính ra cũng vài chục lần. Nhưng may lắm không lần nào bị bắt. Có những người đi cùng chuyến họ bị bắt vào tù. Chúng tôi lo sợ họ khai ra có con mình cùng đi, thì sẽ bị công an đến nhà bắt. Nhưng may mắn thay, gia đình tôi không bị gì. Như chúng tôi đã nói ở trên, vì chế độ Cộng Sản quá độc tài, áp bức, bóc lột, tịch thu biết bao nhiêu tài sản của người dân vô tội, nhiều lắm và nhiều lắm, không làm sao kể cho hết. Bởi vì thế mà nhiều người phải tìm cách ra đi.

Rồi một ngày kia có người đến móc nối nên cuối cùng, tôi đã quyết định dẫn đàn con vượt biển ra đi. Thế là cuộc hành trình tìm tự do của tôi và các con tôi tiếp diễn như sau. Trong Tháng Hai 1987 có mấy người bà con với người con rể của tôi, nhà họ ở gần biển. Biết được gia đình tôi đã có 3 người con đi được, nên họ đến hỏi tôi có còn đi nữa không? Nhập với họ để tổ chức đi. Thế là tôi lăn vào ban tổ chức.

-- Kẻ Sĩ Bắc Hà (ke_si_bac_ha@yahoo.com), December 02, 2004

Answers

Response to Hành Trình Tìm Đến Bến Bờ Tự Do :::Friday, November 26, 2004 Trần Thân Thị Xuyên (Úc Châu)

Tôi bỏ tiền ra để họ mua thuyền, mua bãi và mua lương thực. Người chủ thuyền tên là Năm (tôi gọi là cậu Năm cho thân mật). Người khác tên là Sáu bà con với cậu Năm, chịu làm tài công. Họ bảo tôi nhờ ai quen ở Ðà Nẵng tìm mua một cái hải bàn. Thời gian 5 tháng hội họp, ngày đêm tính cách đi sao cho an toàn, không bị bại lộ, thật là khó khăn nguy hiểm. Bao nhiêu lo âu hồi hộp đến với tôi, ngày đêm ăn ngủ không yên.

Chủ thuyền và tài công có người bà con nhà ở biển nên họ liên hệ được nhờ người ấy lo ở bãi để chờ ngày tập trung về đó để đi. Tôi đưa cho chủ bãi 1 chỉ vàng để mua dầu và lương thực. Khi nào đi được, có mật mã về là sẽ giao cho chủ bãi 3 cây. Phần tôi thì lo việc mua thuốc men đem theo cho các con. Việc mua dầu nhớt cũng rất khó khăn đối với chủ bãi. Mỗi hai ngày cậu ấy mới đi chợ một lần và chỉ mua độ 4,5 lít để dự trữ. Hơn mấy tháng mới mua đủ số dầu 10 thùng 20 lít, cậu chôn ở bãi cát sau nhà. Cậu Năm có đò chạy dọc nhưng hai vợ chồng ly dị đã lâu, cậu ấy nhường thuyền cho vợ làm ăn, nên cậu ấy có lý do để xin giấy phép đi mua thuyền khác để chạy làm ăn. Có được giấy phép nên cậu mới liên lạc với tôi để tổ chức đi. Cậu ra Ðà Nẵng mua thuyền với giá 3 cây vàng, nhưng phải đặt tiền cọc trước 2 chỉ, và tu bổ lại máy móc 2 chỉ. Xong đâu vào đấy chúng tôi họp lại định ngày đi. Ðâu có phải muốn đi ngày nào cũng được, phải tùy theo thời tiết. Ngày nào chúng tôi cũng theo dõi nghe đài, thời tiết tốt xấu, bao nhiêu độ, biển có lặng không? Thời gian này chồng tôi dẫn cậu con trai học xong lớp 12 vào Sài Gòn để tìm đường cho nó đi. Vào trong đó, con tôi đi nhiều lần, có những lần phải chạy tán loạn rất là vất vả gian nan, suýt bị bắt. Mình tôi ở nhà lo hết mọi việc. Chúng tôi gồm 3 người trong ban tổ chức, có thêm một đứa con rể cũng lo phụ giúp tôi. Hẹn ngày đi là 21 Tháng Bảy 1987. Trước hôm đi mấy ngày, tôi nhờ người em trai của tôi vào Sài Gòn tìm gặp chồng tôi đem con về để đi cho kịp ngày. Vừa đúng tối 20 Tháng Bảy chồng tôi dẫn con về đến nhà.

Ngày 21 Tháng Bảy. Chủ thuyền qua nhà tôi nhận 3 cây vàng và đi với đứa con rể của tôi ra nhận thuyền, thuyền sẽ đi về đến bãi trước lúc 4 giờ để nhận dấu hiệu cùng với tài công. Hẹn chờ ở ngoài biển khơi và tối lại sẽ có một mật mã để gặp nhau mà ra đi. Chiều hôm đó, người chủ bãi qua nhà tôi để dẫn đứa con trai ở Sài Gòn mới về xuống ở nhà cậu ta chờ tối khởi hành. Theo như tổ chức thì con rể tôi sau khi đưa tiền nhận thuyền thì đi xe đò về báo tin cho gia đình biết là thuyền đã đi được rồi, và con rể tôi sẽ dẫn con út tôi đi. Nhưng đến 3 giờ chiều rồi mà cậu con út tôi vẫn chưa chịu đi xuống đò, cháu bảo phải ở nhà làm bài tập để mai nộp cho cô giáo, nếu không sẽ bị phạt. Con rể tôi chờ không được, vì sợ trễ đò nên đòi đi trước, cậu ta lại đưa hải bàn cho con út tôi, tưởng nó còn nhỏ không ai theo dõi để ý. Khi con út tôi làm bài xong, xuống đò thì đò đã chạy rồi, nên phải đi bằng ghe bơi. Tôi vô cùng lo lắng, biết thế nào con tôi cũng bị trễ đò rồi, nên tôi đạp xe ra bờ sông, dắt xe đi dọc bờ sông, nhìn thấy con tôi đang ngồi trên mui ghe đọc sách, với chiếc xe đạp trên ghe, nhưng tôi không thấy chủ ghe ở đâu, và tôi cũng không dám hỏi nó một điều gì. Tôi trở về nhà lòng bồi hồi lo lắng, không biết nó có đi được không. Nhưng biết làm sao! Về đến nhà, tôi chở đứa con gái út, Bác Suôi là cha của con rể tôi chở đứa con gái lớn. Chúng tôi cùng đi xuống bến đò khác ở gần biển. Ðò này thì nhỏ, mà sông thì rộng mênh mông, trời thì đã mờ mờ tối trông rất là sợ. Nhưng có bác Suôi hướng dẫn đường đi. Qua khỏi đò rồi, tôi đạp xe theo sau Bác Suôi, xe đạp đi trên đường ruộng, rồi qua rừng thông trông thật là nguy hiểm, không cẩn thận chú ý là có thể té ngay xuống ruộng.

Ði được khoảng chừng 2 km, thì Bác Suôi bảo tôi và 2 con ngừng lại, đem 2 xe đạp dấu dưới một cái cống, rồi đi bộ vào bên trong, núp ở dưới mấy bụi cây gần mấy ruộng khoai. Bác đi xuống bãi trước xem tình hình, vì bác cũng có mấy người con đi theo thuyền chúng tôi. Tôi và 2 con gái vào bụi ngồi nấp ở đó và chờ. Chúng tôi bị kiến cắn, không dám làm động. Sau 10 phút, có bóng người đi đến gần hỏi nhỏ: “Có phải chị Mười đó không?” Ðó là Cậu Ba, em của chủ bãi, nói tiếp: “Chị đi theo tôi”. Ba mẹ con tôi mừng quá, đứng lên đi theo cậu. Ðến chỗ hẹn an toàn, nhìn số người chạy qua chạy lại trong đám thông gần biển. Tài công và chủ bãi đi tới điểm diện, thì ra con út tôi không có mặt ở lúc đó. Thế là mọi người đều lo âu hồi hộp chưa biết tính sao đây. Lại nữa cậu út tôi là người mang theo hải bàn. Cậu tài công nói: “Nếu không có cậu Út, thì cho giải tán ra về, mai sẽ đi tiếp”. Lúc đó Bác Suôi của tôi bảo: “Ðể tôi về nhà con tôi ở gần bến đò tìm xem có cháu đó không?”- Tôi nóng lòng chờ đợi. Trong khi đó, cậu tài công bơi thúng chai ra biển để tìm thuyền. Tài công và chủ thuyền đã hẹn nhau trước và bắt được mật mã từ buổi chiều rồi, biết được thuyền đã đậu ở gần bãi rồi, nhưng trời tối quá. Hai lần ra tìm không thấy thuyền đâu, tài công vào báo lại. Ai nấy đều buồn lòng lo lắng.

Sau 15 phút, Bác Suôi dẫn con út tôi xuống. Chúng tôi vui mừng khôn xiết. Cùng lúc đó, cậu tài công vào báo là đã tìm được thuyền.

Chúng tôi đã an toàn và bắt đầu xuống biển. Cậu chủ bãi tới tìm gia đình tôi: “Chị Mười đâu, dẫn các cháu theo tôi”. Thế là tôi cùng các con đi theo cậu ra biển, lội nước trèo lên thúng chai. Cậu chủ bãi đứng giữa thúng chai vừa chống vừa chèo, chúng tôi ngồi trong lòng thúng, 2 tay níu vịn cái thúng, cái thúng chai nghiêng qua nghiêng lại, tròng trành trông rất sợ. Ðến thuyền, chúng tôi lần lượt trèo lên thuyền. Thuyền tròng trành quá làm chúng tôi chóng mặt và buồn nôn. Cậu tài công và chủ bãi thay nhau đưa những người khác ra lên thuyền và lương thực, dầu được đưa lên thuyền an toàn.

Thuyền bắt đầu nổ máy chạy. Chúng tôi ai nấy đều yên tâm, vui mừng ra đi; lúc đó là 12 giờ đêm ngày 21 Tháng Bảy 1987.

Thuyền đi được 5,6 tiếng đồng hồ thì máy ngừng nổ. Chủ thuyền và tài công thả neo xuống và sửa máy. Hơn 1 tiếng đồng hồ mà sửa không được. Trời lúc đó đã mờ mờ sáng. Tôi bắt đầu lo sợ. Bao nhiêu suy nghĩ hỗn loạn trong đầu tôi. Nếu thuyền không đi được thì sẽ ra sao đây. Mọi người ngồi trên thuyền ai cũng hiện lên nét mặt lo âu buồn bã. Nhìn đằng xa, tôi thấy đảo Cù Lao Chàm ở đó, nếu công an mà nhìn xuống bằng ống dòm thì thấy tất cả chúng tôi rồi. Vào lúc các cậu đang sửa máy thì có người anh của con rể tôi cũng đi trong chuyến nầy bảo: “Lấy gói nhớt ở dưới khoang bôi vào thì máy sẽ chạy”; Tài công và chủ thuyền nghe theo tìm đem dầu nhớt ra tô vào. Sau đó, kéo máy mấy lần là máy nổ. Hú hồn hú vía cho chúng tôi. Và thuyền bắt đầu chạy.

Trên biển cả mênh mông bát ngát, không có một bóng ghe thuyền nào, không thấy bến bờ ở đâu! Thuyền đã ra khơi, khỏi hải phận rồi, không còn lo sợ nữa. Tài công nhìn vào hải bàn, cứ thế mà lái chạy. Ngày đầu đi được bình yên. Qua ngày hôm sau, thuyền đang chạy, vào khoảng 3 giờ chiều, trời bắt đầu âm u. Chúng tôi nhìn lên bầu trời thấy từ xa đã có nhiều đám mây đen mù ùn ùn kéo đến che phủ cả vùng biển. Trời tối sầm lại như ban đêm. Cơn mưa bắt đầu; sấm sét ầm ầm vang dội. Trời vừa mưa vừa gió. Mưa trút nước ào ào xuống thuyền như thác lũ. Một số chúng tôi ngồi ngoài khoang nên bị ướt tầm tã. Mưa to quá nên nước vào thuyền quá nhiều. Chúng tôi thay nhau tát nước liên tục. Rồi những luồng gió từ xa vù vù cuốn đến, hú ré lên vang trời, nghe thật rợn người, thổi đập vào thuyền nghe rầm rầm. Chiếc thuyền nhỏ quá, chiều dài 7 mét, chiều ngang 2 mét rưỡi, bị lắc qua lắc lại, tưởng chừng như muốn lật úp xuống Ðại dương. Ðằng xa những ngọn sóng to lớn như mái nhà dập dờn ùa tới nhồi con thuyền chúng tôi, đưa vút lên cao, rồi tuột xuống, làm con thuyền tròng trành, trông thật khủng khiếp. Mọi người trên thuyền ai nấy mặt mày tái xanh, sợ hãi lo âu, kinh hồn khiếp vía, ôm chồm với nhau cho vơi đi bớt cơn sợ. Gió cứ thổi, trời cứ mưa, sấm cứ ầm ầm. Các con của tôi thì sợ quá ngồi hết vào trong khoang. Tôi ngồi ở ngoài khoác áo mưa che thân, ngồi ở khoang sau cầm gàu tát nước mãi. Chúng tôi không biết làm sao, nhìn thấy thuyền nhào lên nhào xuống khi những ngọn sóng ập đến. Những đứa con của tài công và chủ thuyền khóc ré lên gọi mẹ gọi cha thật thảm thiết, có đứa thì buồn nôn, ọc ra nước bọt ướt cả áo quần. Các con tôi thì mặt đứa nào đứa nấy tái mét ôm nhau nhìn tôi: “Má ơi, sợ quá!”. Tôi hoảng quá nghĩ đến Trời Phật. Tôi và các người đàn bà khác ngồi ở sau khoang, không ai bảo ai đều cùng nhau cầu nguyện niệm Phật phù hộ. Thế là “Nam mô A di Ðà Phật, Nam mô Ðại từ Ðại bi cứu khổ cứu nạn Quan Thế Âm Bồ Tát Ma ha Tát, Nam Mô A di Ðà Phật...” Cứ thế đọc kinh mãi.

Dường như chỉ có hai cậu chủ thuyền và tài công còn bình tĩnh. Có lẽ hai cậu đã quen với những cảnh tượng sóng to gió lớn trên biển cả. Hai cậu rất im lặng, không nói lời nào cả. Nhìn nét mặt cương quyết đầy nghị lực, đang cầm giữ tay lái cho thuyền khỏi bị lật úp, trông thật dũng cảm. Giữa biển cả mênh mông bao la bát ngát, không có ghe thuyền nào, không biết đâu là bờ bến, nên hai cậu phải thả neo xuống, không cho thuyền chạy nữa, cố cầm giữ cho chắc tay lái để bảo vệ sinh tồn của 25 mạng người trên thuyền. Nếu chẳng may thuyền mà bị lật, chôn vùi dưới lòng biển Ðông thì cũng chẳng ai biết đâu mà tìm. Sau mấy tiếng đồng hồ, trời yên lặng dần, cơn mưa dông đã tắt, hết gió. Trời bắt đầu sáng lại. Chủ thuyền nhổ neo và bắt đầu chạy tiếp. Ngày hôm sau, thuyền chạy bình yên, nhìn trên biển chả có bóng ghe nào. Khi gần tới bờ biển Hải Nam, thì mới thấy vài chiếc thuyền. Chủ thuyền cho chạy rà rà bên các thuyền đã gặp để hỏi xin nước uống và hỏi tìm đường vào đảo Hải Nam. Sau lần kinh hoàng đó, tôi thấu hiểu thế nào là sự hung dữ của biển và không còn nghi ngờ về con số hàng vạn ngàn thuyền nhân Việt Nam khác đi vượt biển như chúng tôi đã bị chôn vùi dưới đáy biển. Ðó là chưa nói đến những người bị hải tặc giết hay bắt đi. Chúng tôi khởi hành từ Ðà Nẵng để đi Hồng Kông, nên không gặp hải tặc như nhiều bà con đi từ Miền Nam qua Vịnh Thái Lan bị bọn hải tặc cướp, giết, hãm hiếp đàn bà con gái; Ôi! thật là đau khổ và dã man vô cùng.

-- Kẻ Sĩ Bắc Hà (ke_si_bac_ha@yahoo.com), December 02, 2004.

Response to Hành Trình Tìm Đến Bến Bờ Tự Do :::Friday, November 26, 2004 Trần Thân Thị Xuyên (Úc Châu)

Chiều hôm đó, sau 2 ngày đi trên biển cả, thuyền chúng tôi tấp được vào bờ biển của đảo Hải Nam. Chúng tôi lội nước đi bộ vào bờ, nước trong veo thấy cát trắng ở dưới, mực nước tới rốn ướt hết áo quần. Khoảng cách từ chỗ thuyền đậu vào bờ cũng phải là 20 mét. Chúng tôi được Chính quyền tại đảo Hải Nam tiếp đón tử tế, họ nấu cơm, xào đậu tây với thịt heo cho chúng tôi ăn một bữa no nê. Tối đấy chúng tôi được ngủ lại trong các nhà hoang vắng. Trên thuyền có vợ và 2 con của Tài công ở lại để giữ thuyền. Chiều hôm sau, chúng tôi được phái đoàn ở Hải Nam tiễn đưa ra bờ để giã từ. Khi đến bờ biển thì ôi thôi, thuyền của chúng tôi nổi trên bãi biển, mặt nước thì rút ra tít đằng xa. Chủ thuyền và tài công cùng nhau đẩy thuyền ra nước. Thuyền bị mắc cạn trên bờ nên khi đẩy ra bị gãy tay lái. Thế là chúng tôi cùng nhau trở lui vào đảo, nhờ bà con ở đó dẫn vào phố Hải Nam sửa tay lái. Chủ thuyền và tài công cùng hai con gái đi vào thành phố để sửa tay lái. Tiện đó con trai lớn của tôi cùng đi theo để đánh điện tín qua cho các anh chị nó ở Úc biết là: “Mẹ và 4 tụi em đã đến Hải Nam”.

Mọi việc xong xuôi, chúng tôi rời Hải Nam vào lúc 4 giờ chiều ngày 23 Tháng Bảy 1987.

Tôi nghe cậu chủ thuyền nói là bây giờ mình không còn lo nữa, cứ dọc theo bờ biển Trung Quốc mà đi tới Hongkong. Tôi rất vui mừng vì tin là mình sẽ đến Hongkong được dễ dàng. Nhưng đâu có ngờ, đến ngày 25 Tháng Bảy 1987, thuyền đang chạy thì trời bỗng tối đen, mây che phủ, sóng gió lại nổi lên ào ào, từng đợt sóng cao to hơn mái nhà ở đằng xa ùa đập tới, như muốn nuốt chửng con thuyền nhỏ bé của chúng tôi. Rồi mưa xuống dồn dập, con thuyền tròng trành nhồi lên thụt xuống, người trong thuyền ôm nhau nhào qua nhào lại, trông thật khủng khiếp. Chủ tàu mở máy cho chạy nhanh vào bờ. Thuyền vừa cập tới bờ, chúng tôi nhìn thấy một chiếc tàu thật to như cái sân trường học đang đậu ở bờ đó (chắc là lúc đó thuyền chúng tôi nhỏ quá nên thấy tàu này to đến vậy!). Một ông cụ trên tàu nhìn thấy thuyền chúng tôi, ông vẫy tay gọi cho cột dây neo vào thuyền, rồi bảo chúng tôi lên tàu để ẩn trú. Chúng tôi có tất cả 25 người, gia đình tôi gồm có tôi, 4 con và 1 rể, gia đình chủ thuyền có 2 cha con, gia đình tài công có hai vợ chồng và hai con, còn lại những người bà con bên chủ bãi. Ông nấu cho chúng tôi ăn, và bảo chúng tôi vào trong khoang ngủ lại, sáng mai trời tạnh rồi hãy đi. Ðêm hôm đó ngủ lại trên tàu mà chúng tôi nghe gió ầm ầm đập vào tàu tưởng chừng như tàu sắp vỡ; gió thì thổi ào ào mưa trút xuống. Chiếc tàu to, lớn như vậy đó, mà cứ lắc qua lắc lại mãi, nước biển tạt vào nghe rầm rầm. Chúng tôi được ở trên tàu mà còn rùng mình lo sợ, huống gì ở trên một chiếc thuyền nhỏ. Sáng mai ngủ dậy chúng tôi thấy tàu của ông cụ cũng như các thuyền đậu ở bờ, cũng như thuyền của chúng tôi đều nằm trên bãi biển cả. Phải đi cũng 30 mét mới đến mặt nước. Ông cụ chỉ tay lên trời nói cho chúng tôi biết là phải chờ đến chiều thời tiết tốt mới đi được. Chiều lại, chúng tôi sẽ đi tiếp, nhưng khi đẩy thuyền ra mặt nước thì tay lái lại bị gãy lần nữa. Thế là tài công và chủ thuyền lại phải vào bờ tìm hỏi đường đến sửa tay lái.

Trời tháng 7 thường có mưa giông, nhưng sau cơn mưa giông trời lại sáng. Chúng tôi lại tiếp tục cuộc hành trình vào lúc 6 giờ chiều. Thuyền đi được 2 ngày bình yên, thỉnh thoảng lại thấy vài chiếc tàu bơi ở xa, chúng tôi rất yên tâm. Cứ thế, tài công nhìn vào hải bàn chạy liên tục. Ði được 6 ngày, vào khoảng 4 giờ chiều trời yên biển lặng, mọi người trong thuyền vui mừng. Nhìn ra biển trời, chúng tôi thấy đàng xa có mọt đàn cá heo bơi nhảy trên mặt nước, trong đẹp tuyệt, nhưng anh tài công bảo chúng tôi yên lặng, không nên nói gì cả. Cậu nói khẽ “Mấy vị cá nầy thường là ân nhân của những người gặp nạn trên biển cả”. Chiều hôm sau đó lại cảnh mưa to gió lớn, mây che phủ cả bầu trời, gió càng to sóng càng lớn, cứ tưởng mình sẽ bị thuyền ập xuống và chết ngay trên biển cả.

Tôi cứ dò hỏi cậu chủ tàu và tài công tình hình có sao không, thấy sợ quá. Các cậu không nói gì cả, nhưng trông rất bình tĩnh, chắc là đã quen với cảnh ở biển cả rồi, nên chúng tôi bớt lo phần nào. Thuyền lại tấp vào bờ gần hòn đảo nào đó, chúng tôi thấy ở trên bờ cũng có nhiều ghe thuyền nhỏ đã trú ẩn ở đó. Thuyền vào được bờ rồi, chủ thuyền ở lại với một đứa con, còn lại chúng tôi theo đường mòn đi mãi, trèo lên đồi núi, vì nhìn thấy trên đồi cũng có mấy ngôi nhà. Ðây là một hòn đảo nhỏ của Trung Quốc. Lên đến đỉnh đảo, chúng tôi thấy có mấy căn nhà thật to rộng lớn, nhưng không hiểu vì lý do gì mà những ngôi nhà đó sập nát đổ hết mái, chỉ còn lại mấy bức tường gạch trông rất điêu tàn. Chúng tôi đi lần vào trong thì thấy có cái bếp bằng 3 tảng đá ong dựng lại, cạnh bên là đống củi rừng, có mấy cái xoong nồi nhỏ nhỏ nhưng không thấy người nào cả. Chúng tôi định ở đó ngủ lại 1 đêm cho khỏe. Cậu tài công lấy cái rựa ở bếp ra chặt lá nhánh cây trên đồi đem vào trải ở nền nhà cho chúng tôi nằm, vì nền đất lởm chởm toàn gạch vụn đổ nát, còn mấy người khác thì đi vào trong núi chơi, đàn bà chúng tôi lăn ra nằm trên lá cho đỡ mệt. Vì bao nhiêu ngày đi trên thuyền đâu có chỗ để nằm, phải ngồi sát vào nhau mệt mỏi cũng nhiều rồi. Mới nằm được 5, 10 phút gì đó trời nổi giông, sấm sét ầm ầm, mưa ào ào trút xuống dữ dội. Chúng tôi chưa kịp đứng dậy, thì từ đâu một đàn bò mấy chục con chạy ùa tới, bước qua người chúng tôi mà vào tán loạn. Hoảng quá, chúng tôi chạy vào góc bờ tường vừa nấp mưa vừa tránh bò. Chúng tôi nhìn thấy một người thanh niên mặc áo quần màu xanh rêu như lính, cầm con roi đi theo sau đàn bò. Lúc đó chúng tôi thấy nước chảy trên các nhánh lá, lút cả đám lá như con suối. Sau 30 phút mưa to gió lớn, trời tạnh, và sáng trong. Chúng tôi cùng nhau tìm đến người thanh niên để chuyện trò. Chúng tôi đâu có hiểu được tiếng của cậu ta, và cậu ta cũng đâu có hiểu được tiếng Việt của mình. Thế là 2 bên cứ đưa tay làm dấu. Cậu cho nước đem theo uống và ít củi xuống thuyền nấu ăn. Ðến bây giờ gần 17 năm qua rồi, ngồi kể lại, chúng tôi vẫn không quên cảnh tượng đó. Sau 2 tiếng đồng hồ lên đảo, chúng tôi bắt tay chào giả biệt người trai đó, và cùng nhau đi vào thuyền ẩn trú trong đêm.

Sáng hôm sau, lúc 6 giờ sáng, trời yên gió lặng. Ðây là ngày thứ 7 trong chuyến đi. Tài công mở máy chạy. Trời sáng tươi, quang cảnh thật êm đẹp. Mọi người chúng tôi đều vui tươi nhìn cảnh biển. Nước biển sao màu đục vàng như nước lụt, nhiều thuyền nhỏ đậu sát nhau, không hiểu có phải đây là nơi các thuyền nhỏ của người Trung Quốc đi làm biển đậu, hay là họ thấy mưa to gió lớn nên vào đây ẩn núp. Thuyền chúng tôi chạy lần lần ra khơi để tiếp tục đi. Tài công nói: “Gần đến Hồng Kông rồi”. Thuyền chạy lần lần xa bờ, Chúng tôi thấy biển mênh mông bao la, lại những ngọn sóng cao vút chạy tới đưa thuyền chúng tôi lên cao, rồi hạ xuống trông rất hãi hùng. Thỉnh thoảng lại thấy những chiếc tàu lớn của người Trung Quốc chạy đằng xa, và vài thuyền nhỏ. Gặp thuyền tàu nào, tài công chúng tôi cũng ghé kề bên để hỏi thăm đường đi đến Hongkong, và xin mua thêm lương thực nước uống. Những ngày này trời trong xanh, biển lặng nên thuyền tôi đi liên tiếp, không ghé vào bờ ẩn núp nữa.

Sau 2 ngày đêm, tức là đêm thứ 11 kể từ ngày chúng tôi khởi hành, chỉ còn cách một tiếng đồng hồ nữa là đến đất liền. Thành phố Hồng Kông bắt đầu từ từ hiện ra ở chân trời, mỗi lúc càng rõ hơn. Hoa tiêu hướng thuyền đến đó. Mọi người trong thuyền vui mừng hớn hở, nhìn xuống mặt nước biển thấy có mấy đàn cá hố trắng bóc bơi lội, rồi thỉnh thoảng có vài con nhảy vọt lên thuyền, trông thật vui. Cuối cùng con thuyền cỏn con đã không phụ lòng 25 người chúng tôi, nó vượt hơn mấy ngàn dặm, trải qua bao sóng to gió lớn, đưa chúng tôi bình yên đến được bến cảng Hồng Kông. Thuyền chúng tôi chạy vòng quanh cảng để tìm cảnh sát. Nhưng lâu quá, sau 20 phút mà chả thấy ai hỏi gì. Chúng tôi mới bàn với nhau, cho thuyền ghé vào bờ, rồi lên bờ hỏi những người đứng chơi trên đó để gặp cảnh sát Hongkong. Ðứa con gái của tôi có học tiếng Anh ở nhà nên đi theo vài người lên bờ để tìm. Con tôi và mấy người về lại thuyền, thì độ 15 phút sau thấy 1 chiếc tàu của police đến. Chúng tôi được đưa hết lên tàu police, chiếc thuyền nhỏ bé của chúng tôi được kéo dây cột bên và dẫn theo.

Sau khi tàu chạy được một tiếng đồng hồ, thì có một người cảnh sát mở dây cột con thuyền nhỏ của chúng tôi và nhận chìm xuống biển cả. Lòng tôi bùi ngùi xúc động khi nhìn thấy đứa con gái của tôi, với hai hàng lệ trên đôi má gầy gò, vì bao ngày thiếu ăn thiếu uống, đang vẫy tay chào con thuyền trung thành chìm xuống đáy lòng đại dương. Tàu cảnh sát tiếp tục chạy đưa chúng tôi vào một chiếc phà to lớn nằm giữa biển, bốn bề là các đảo của Hongkong. Trên phà lúc đó đã có rất nhiều người Việt tỵ nạn đến trước chúng tôi và đang làm thủ tục tị nạn. Chung quanh phà biển xanh biếc, xa xa những hòn đảo lắp lánh ánh đèn điện đường, cùng với những tòa cao ốc sáng chói trông rất là nguy nga.

Chúng tôi ở trên phà một ngày. Chiều hôm đó 2 Tháng Tám 1987, chúng tôi được đưa vào trại Chimawan. Vào phòng 4 chúng tôi được ra ngồi xếp hàng dưới đất, nhận áo quần, bàn chải đánh răng, rồi đến lượt nhân viên ở đó xịt nước thuốc vào người chúng tôi, xong bảo đi vào nhà tắm để tổng vệ sinh. Chúng tôi ngủ ở phòng 4 một đêm. Sáng hôm sau những người trong thuyền tôi được chuyển vào trại. Tôi và 4 con cùng 1 con rể được nhận 2 giường. Nhìn thấy cảnh của trại, người ta đông quá là đông. Mỗi phòng có 2 dãy giường ngủ, mỗi dãy có 15 giường, mỗi giường 3 tầng, giữa có một lối đi. Giường này cách giường kia bởi một cái màn che. Nhìn trông như một cái rạp hát che kín chưa mở màn, thật là vui. Trại dưới cũng gồm có mười phòng tương tự như vậy. Chúng tôi vui mừng quá giờ đây thì yên tâm lo học Anh văn, để chờ ngày đi định cư nước thứ ba.

Một tuần sau ở trại dưới, gia đình tôi được chuyển lên trại trên. Trại trưởng cho gia đình tôi lên ở trại trên vì tôi và con gái lớn tôi được dạy học cho trẻ em Việt Nam tại trại trên. Ðó là trường International Social Service (ISS) chi nhánh Hong Kong, mà Liên Hiệp Quốc đã mở ra để dạy cho người tị nạn học. Ông Adrie Van Geralden, người Hòa Lan làm hiệu trưởng, và thầy Lê Ba người Việt tỵ nạn ở Mỹ qua làm việc cho trại là hiệu phó. Con gái tôi đang ở Úc nhờ thầy Lê Ba liên hệ xin ông hiệu trưởng được vào dạy học sinh Việt Nam ở đó. Ðược sự đồng ý của ông hiệu trưởng, một tháng sau con gái tôi đã đến Hongkong và được vào dạy tiếng Anh và các em học sinh. Mỗi sáng con tôi từ Hongkong đi vào trại cùng với nhiều nhân viên làm việc ở trại cùng một chuyến tàu, vừa dạy vừa gặp thăm mẹ, nên chúng tôi vui sướng vô cùng.

Sau khi con gái tôi về, thì con trai của tôi đang học Ðại học ở Úc, gặp lúc nghỉ hè nên cũng làm đơn xin qua Hongkong, làm thiện nguyện cho trường ISS, dạy computer cho trẻ em. Tại trại Chimawan lúc đó cộng đồng người Việt mình cũng có sinh hoạt các hội đoàn, các tôn giáo đầy đủ. Chúng tôi được Liên Hiệp Quốc cho ăn mặc đầy đủ, có trái cây nước ngọt. Có TiVi để xem tại hội trường. Nhà ăn có Canteen bán đồ ăn cho bà con, ai có tiền thì cứ mua, tha hồ ăn tiêu đầy đủ sung sướng.

Thường ngày lúc 10 giờ sáng và 4 giờ chiều từng người, từng gia đình sắp hàng để lấy cơm canh, cá, rau và trái cây. Tôi rất thích ăn cá hộp và cá mục chiên giòn. Chúng tôi không phải lo một việc gì cả, chỉ việc ăn no, ngủ yên, học thêm Anh Văn để chờ ngày gọi đi phỏng vấn và được nhận đi định cư nước thứ ba.

Sau vài ngày sống trong trại, tôi bắt đầu làm quen dần với nề nếp mới và tiếp xúc với nhân viên Hongkong làm việc ở trại, nam nhân viên gọi là A Xề, còn nữ gọi là Cố Lường (phát âm theo tiếng Việt). Mỗi sáng và mỗi tối họ thay phiên đến phòng chúng tôi để điểm danh. Họ cũng rất vui và dễ mến. Tôi và con gái lớn đi dạy ở trường ISS, mỗi tháng một giáo viên được nhận lương 120 đô Hongkong. Các con tôi đi học. Chúng tôi không làm mích lòng ai, nên những ngày tháng ở trại cấm Chimawan đã làm cho gia đình chúng tôi thấy vui và hạnh phúc.

Thời gian này người Việt mình vượt biển qua Hongkong nhiều quá. Ngày nào ghe thuyền cũng đến, người đưa vào dồn dập. Sau đó có lệnh đóng cửa trại vào ngày 16 Tháng Sáu 1988, nếu thanh lọc không thành công thì sẽ bị trả về Việt Nam. Gia đình 2 con gái của tôi đã có chồng ở Việt Nam cũng đi đúng vào dịp này. Chồng tôi ở Việt Nam lo cho 2 gia đình tụi nó đi, chồng tôi chưa đi vì sợ và lo, nếu các con đi không được, thì còn có người ở nhà lo thăm nuôi. Bên này chúng tôi nhận được điện tín báo: “Các con thi đại học Hòa Khánh rồi”. Ðó là mật mã chồng tôi điện cho tôi nói là các con còn lại cũng đã đi rồi. Thời gian cả tháng ở trại, tôi không nhận được tin gì về các con đi sau, nên tôi như người mất hồn, lo âu buồn phiền ăn ngủ không yên. Tối nào mẹ con chúng tôi cũng đem hoa quả và hương đèn ra bờ biển Chimawan thắp hương cầu nguyện cho gia đình 2 con gái tôi đến được bến bờ tự do an toàn. Ngày nào tôi cũng ngóng mong tin tức chúng. Có ai vào trại là tôi cũng đến tìm hỏi thăm, không biết bây giờ tụi nó đang ở đâu, ra sao, sống hay chết. Ngày cũng như đêm nước mắt tôi cứ tuôn trào. Chân tay tôi bủn lủn khi nghỉ đến những gì tôi đã trải qua trên biển, rồi liên tưởng đến gia đình 2 đứa con gái tôi, tôi rùng mình lo sợ cho sự bất an, kém may mắn có thể xảy ra đến với chúng. Tôi không bắt liên lạc được với các con, tôi phải nhờ thầy Lê Ba và anh Trần Nguyễn Trường Giang đang làm việc ở trại, có đi đến các trại ở đảo thì tìm giúp.

Sau một thời gian ở Trại Chimawan, chúng tôi phải xuống tàu chuyển hết ra ở trại San Yick tại Hongkong. Nơi này trước kia là nhà máy hay sao đó, chúng tôi không rõ. Tòa nhà có 12 tầng, mỗi tầng có 4,5 phòng ở. Gia đình tôi cùng mấy con ở tầng 5. Ở đây rất là kỷ luật, không cho ai ra ngoài trời. Nhưng cũng may có Canteen bán đồ ăn đồ dùng cho bà con.

Nhìn từ tầng 5 xuống, thấy người dân Hongkong đi lại trên đường phố, cảnh phố thật là đẹp mà lòng ước mong sao được ra ngoài ngồi trên bãi cỏ một vài giờ. Mấy ngày sau khi đã ở trại SanYick, Thầy Lê Ba cùng anh Trường Giang cũng vào làm việc ở đây. Rồi một hôm, vào lúc 4 giờ chiều, anh Trường Giang tìm đến phòng tôi báo cho tôi biết là đã liên lạc được với các con gái tôi ở trại Thanh Châu. Tôi vui mừng không biết bao nhiêu mà kể. Tôi cảm động quá đến rơi nước mắt. Tôi ôm choàng cháu Giang và cám ơn ríu rít. “Cám ơn cháu, cháu đã giúp bác rất nhiều. Bác không bao giờ quên ơn cháu”.

Chúng tôi ở trại SanYick được mấy tháng thì có tin gia đình tôi được chuyển ra Trại 3 để khám sức khỏe đi Úc. Những ngày ở trại SanYick, Thầy Lê Ba có liên lạc được người bà con của tôi làm việc tại Hongkong, người anh con của cậu ruột tôi ở Huế là Thân Trọng Ðức làm nha sĩ ở Hongkong. Biết được mẹ con tôi đang ở Trại 3, nên anh cho tiền chúng tôi đúng 3000 đô Hongkong, anh bảo ra phố mua đồ để qua Úc dùng. Thời gian ở trại 3 này, có Soeur Hạnh cũng giúp cho gia đình chúng tôi mượn 500 đô Hongkong, do Thầy Lê Ba đưa lại. Hình như Soeur Hạnh bây giờ ở Úc, mà chúng tôi chưa có may mắn gặp lại.

Trước ngày đi định cư ở Úc, qui định của trại ba (trại chuyển tiếp) cho chúng tôi được ra ngoài một ngày để mua sắm. Mấy mẹ con tôi đang đi lang thang ngoài phố Hongkong thì gặp một cậu thanh niên Việt Nam, bảo là ở Melbourne qua Hongkong làm ăn. Thấy chúng tôi nói tiếng Việt với nhau, nên cậu đến trò chuyện, cậu lại cho mấy mẹ con tôi 1000 đô Hongkong bảo vào tiệm để ăn. Chúng tôi không có thời gian nhiều, nên không hỏi được cậu ở đâu bên Úc. Thật là vô cùng may mắn. Gia đình tôi đã gặp được nhiều ân nhân.

Ở trại ba, làm giấy tờ thủ tục xong, chúng tôi được lên máy bay đi Úc lúc 6 giờ chiều ngày 30 Tháng Mười 1988.

Chúng tôi đến Úc được vào ở Hostel tại Springvale. Ở đó làm giấy tờ thủ tục, rồi xin nhà để ở. Sở di trú cũng hỏi tôi gia đình còn ai ở Việt Nam không, nên sau đó chúng tôi làm giấy bảo lãnh cho chồng tôi. Sau 10 ngày xong đâu vào đấy, mấy mẹ con tôi được về ở nhà Chính phủ cho thuê ở Maribynong. Hai tháng sau chúng tôi dọn ra thuê nhà ở ngoài gần trường cho các con đi học.

Ðịnh cư được ở Úc, chúng tôi thấy không gì sung sướng bằng. Các con tôi mới qua đi học ở trường trung học Maribyrnong. Tôi đi học Anh Văn ở trường Dewar House tại Footscray, sau đó qua học trường Footscray Tafe. Thầy cô giáo dạy Anh Văn rất là hiền hòa, vui vẻ và dạy rất nhiệt tình, dễ hiểu. Cô thầy đều nói năng nhẹ nhàng thân mật. Từ nào tôi không hiểu tôi đem tự điển ra tra. Sáng có lúc tôi đi học bằng xe bus, có lúc đi theo xe của con đến trường. Chiều tôi về lúc 3 giờ lo cơm nước cho các con.

Cuộc sống êm ấm trong một nước tự do, không có gì sung sướng bằng. Hơn nữa ở Úc khí hậu tương đối hiền hòa, môi trường sạch sẽ, không khí trong lành nên chúng tôi vô cùng sung sướng và biết ơn chính phủ Úc rất nhiều.

Chúng tôi đã ổn định nơi ăn chốn ở tại Melbourne rồi, nhưng còn gia đình 2 con gái tôi tại Hongkong thì đang chờ phỏng vấn. Nhưng thật không may cho chúng nó. Qua 2 đợt phỏng vấn đều bị từ chối bắt buộc phải trở về Việt Nam. Mẹ con tôi ở bên này rất buồn. Con gái tôi đang làm việc phải xin nghỉ để qua Hongkong chạy lo. Thời gian đó ở các trại tị nạn Hongkong thường xảy ra những cuộc đấu tranh, tuyệt thực. Bao cảnh đánh đập chống đối xô xác nhau thật là nguy hiểm. Tôi và con gái lớn ở đây bàn định với nhau, nếu không được chấp thuận tị nạn, thì xin trở về, chứ ở bên đó chết sống không biết ra sao. Thế là hai gia đình 2 con gái tôi qua Hongkong ở gần 5 năm, rồi phải trở về Việt Nam năm 1993.

Ðến năm 1995, Chính phủ Úc có nghị quyết nhận 600 người ở trại tỵ nạn hồi hương được qua định cư ở Úc. May mắn quá hai gia đình con gái của tôi được qua định cư tại Úc vào năm 1996. Còn chồng tôi thì đã đoàn tụ với gia đình vào năm 1992. Năm 2002, đứa con trai đầu của tôi cùng vợ và 2 con trai mới đi được đến Mỹ theo diện đoàn tụ gia đình bên vợ.

Thế là phải mất hai mươi năm, kể từ năm 1982 đến 2002, qua 4 lần vượt biển và 2 đợt đi theo diện đoàn tụ gia đình, vợ chồng tôi, 10 đứa con và dâu rể cùng các cháu nội ngoại mới hoàn toàn trốn thoát khỏi ách cai trị của Cộng Sản và rời xa xứ Quảng thân yêu, nơi ấy vẫn còn mồ mả tổ tiên, và bao bạn bè thân thương. Hiện giờ tôi cùng 8 đứa con và 13 cháu đang sinh sống tại thành phố Melbourne, còn lại gia đình đứa con trai có 3 cháu đang làm ăn ở Sydney, và con trai đầu cùng vợ và 2 cháu nội đang ở California, Hoa Kỳ. Lòng tôi vui mừng khi các con quây quần bên tôi vào những ngày cuối tuần và cũng không tránh khỏi bùi ngùi khi thấy những mái tóc xanh ngày nào cùng tôi chống chọi lại đói khát, vượt qua nguy hiểm trên biển cả và khổ cực trong trại tỵ nạn, bây giờ đang từ từ nhuốm bạc.

Thời gian qua nhanh như cơn lốc, mới thoáng đây mà đã hơn 15 năm định cư ở đây, tôi cũng như các con tôi đều là công dân Úc, người Úc gốc Việt. Có quốc tịch Úc. Các con của tôi thì đã học hành thành tài, đứa nào cũng có gia đình và nhà cửa êm ấm.

Nhìn thấy người Việt mình qua đây sinh hoạt làm ăn rất tài giỏi, xây dựng một xã hội lành mạnh, có Cộng đồng người Việt sinh hoạt đều đều, có báo chí văn nghệ. Trên các đường phố, các tấm bảng ghi bằng tiếng Việt, nào dược sĩ, nha sĩ, bác sĩ, và các cửa hàng ăn uống. Nhìn đâu cũng thấy các bản hiệu ghi bằng tiếng Việt Nam. Ði ngoài phố gặp người Việt mình, tôi cứ tưởng mình đang ở trong nước của mình. Và cũng thật, nơi đây là quê hương thứ 2 của mình. Mình phải có bổn phận nói cho các con các cháu biết rõ hơn về chặng đường đi tìm tự do và sự hình thành của cộng đồng người Việt ở đây. Bây giờ mình là người Úc rồi, học hành cho thành tài, làm việc cho tận tâm, ăn nói cho thật thà để góp phần xây dựng một đất nước lành mạnh.

Ðược như vậy, tôi thấy rất là tự hào cho dân tộc mình, đến đâu cũng xây dựng được một xã hội, một cộng đồng hùng mạnh và không bao giờ quên đất nước và người Việt Nam ở quê nhà.

Melbourne ngày 17 Tháng Tám 2004

Ghi chú của tác giả:

Bài viết này gởi đến quý tòa soạn, chỉ mong ước sao được đăng tải rộng rãi, để những người thân của tôi như thầy Lê Ba, Anh Trường Giang, Cậu Thân Trọng Ðức và Soeur Hạnh, cũng như hai cậu 5, 6 Tài công và chủ thuyền của tôi đọc được, và biết được tôi đang ở đâu và tìm tôi. Vì từ ngày ra khỏi trại đến nay, tôi đã mất liên lạc với các vị ân nhân này!

-- Kẻ Sĩ Bắc Hà (ke_si_bac_ha@yahoo.com), December 02, 2004.

Moderation questions? read the FAQ