một phương thức xoá đói giảm nghèo

greenspun.com : LUSENET : Vietnamese American Society : One Thread

--------------------------------------------------------------------------------

Vi tín dụng :

một phương thức xoá đói giảm nghèo

Đỗ Tuyết Khanh

Một xu nghèo rớt mồng tơi Ba xu là đủ giúp tôi đổi đời

Thật thế, đối với một người hết sức nghèo, một số tiền hết sức ít ỏi, chỉ đáng ba xu thôi so với tài sản của người giàu có, đã rất đáng kể và có thể đủ mang lại một phương tiện kiếm sống, một bàn đạp để ngoi lên thoát khỏi cảnh lầm than. Nước nào cũng có những giai thoại, thần tiên như chuyện cổ tích, về những con người xuất thân từ hai bàn tay trắng nhưng nhờ ý chí, tài làm ăn, và nhất là thời cơ, vận may, phất lên thành triệu phú, tỉ phú. Nhưng khoan nói đến các trường hợp hãn hữu đó, tầm thường hơn, khiêm tốn hơn và cũng phổ biến hơn nhiều là những ông Hai, cô Sáu, ngày xưa nghèo nhất làng nhưng sau khi dành dụm hay vay được tiền mua cái ghe đánh cá, chiếc máy khâu hay con heo nái, không những đủ ăn đủ mặc mà còn nuôi được con cái học hành đến nơi đến chốn.

Cái khó bó cái khôn. Bao người nghèo đã chép miệng than thế khi phải xoay xở với các phương tiện chật hẹp của mình. Như cô hàng xén của Thạch Lam với gánh hàng cỏn con : « Buôn bán bây giờ mỗi ngày một chật vật, bởi cô ít vốn. Tất cả gánh hàng của Tâm chỉ đáng giá hai chục bạc. Giá nàng có nhiều tiền để buôn vải bán các chợ như Liên... Hai chị em cười nói chuyện trò như đôi chim sẻ : - Hôm qua mày bán được bao nhiêu ? Tao ngồi mãi chỉ bán cho bà Lý có một tấm lụa. Tâm đáp : - Thế còn gì nữa, bằng cả ngày lãi của tao kiếm. » Cái vốn cô Tâm mơ ước thật chẳng bao nhiêu nhưng lại quá xa tầm tay của cô. Khi mà làm cật lực vẫn chỉ suýt soát đủ ăn thì lấy đâu mà dành dụm, tích góp. Đi vay thì phải trả lãi cao mà nếu chẳng may làm ăn thua lỗ thì lại càng khốn cùng vì quàng thêm cái nợ đè nặng cả đời. Giá có ai cho cô vay, lấy lãi vừa phải thôi, đừng đặt điều kiện khắt khe quá, để cô có thể buôn lớn hơn, kiếm lời nhiều hơn, đủ sức trả lại dần dần.

Ở đâu, thời buổi nào cũng có rất nhiều các cô Tâm, chỉ cần có thêm một tí vốn thôi cũng có thể làm ăn khá hơn thoát khỏi cảnh nghèo. Nhưng vay ai bây giờ ? Số tiền cô cần quá ít ỏi, dẫu có lấy lãi bao nhiêu cũng không đủ lời cho các ngân hàng để cô thành thân chủ của họ. Ngân hàng là nơi sang trọng bề thế, toát ra sức mạnh của tiền của, ít người lam lũ dám bước vào. Mặt khác, một yếu tố cơ bản trong quan hệ vay mượn là khả năng chi trả của con nợ. Trong nhiều ngôn ngữ, như tiếng Pháp và Anh, chữ crédit/credit (từ gốc la tinh credere = tin cậy) cùng lúc có nghĩa là tín dụng, và uy tín, tín nhiệm. Trong tín dụng của tiếng Việt, chữ tín đi hàng đầu. Càng nghèo thì càng khó đi vay vì ít ai tin mình sẽ trả lại đủ vốn lẫn lời. Chỉ còn cách đến gõ cửa các chủ nợ chuyên cho vay nặng lãi, để vừa trả một cái giá bóc lột, vừa có nguy cơ lại càng túng quẫn.

Phá vỡ cái vòng lẩn quẩn này, để người nghèo đến được với tín dụng trong điều kiện thuận lợi, do đó trở thành một trong những quan tâm chính trong các chương trình phát triển, chống nghèo đói, của rất nhiều tổ chức quốc tế và tổ chức phi chính phủ. Các hình thức cho vay vốn nhỏ, hay nói văn hoa hơn, các dự án vi tín dụng, tài chính vi mô (micro-credit, microfinance) trở thành khái niệm phổ biến. Vi mô vì các khoản vay thường rất nhỏ, có khi chỉ vài chục đô-la. Vì người nghèo là đa số tuyệt đối của dân số thế giới, với 1,2 tỉ người thu nhập không đến một đô-la một ngày, nên các chương trình, dự án vi tín dụng (và các tài liệu liên quan !) cũng hằng hà sa số. Trong phạm vi của bài viết này, chỉ có thể phác hoạ một cái nhìn tổng quát và nêu lên vài nhận xét và thí dụ cụ thể, đặc biệt ở Việt Nam.

Vi tín dụng trong các chương trình quốc tế

Chỉ nhìn sơ qua các chương trình, dự án quốc tế về vi tín dụng cũng đủ chóng mặt : bên cạnh các « đại gia » như Liên Hiệp Quốc (LHQ) - và các cơ quan đặc trách của LHQ như Chương trình phát triển (UNDP), Quỹ trẻ em (UNICEF), Cao Uỷ tị nạn (UNHCR), Quỹ quốc tế phát triển nông nghiệp (IFAD) - , Ngân hàng thế giới, Tổ chức lao động quốc tế (ILO), Tổ chức hợp tác và phát triển châu Âu (OECD), Liên Hiệp châu Âu... còn có vô số các tổ chức phi chính phủ lớn nhỏ như Oxfam, Save the Children, Action Aid, GRET, v.v.

Dẫn đầu dĩ nhiên là LHQ với rất nhiều chương trình, hội nghị chuyên đề về xoá đói giảm nghèo, như Hội nghị thượng đỉnh về phát triển xã hội (World Summit for Social Deve-lopment, tháng 3.1995), và gần đây nhất là Tuyên ngôn Thiên niên kỉ (Millenium Declaration) đề ra một loạt mục tiêu phát triển, trong đó có việc từ đây đến năm 2015 giảm một nửa con số người nghèo đói trên thế giới. LHQ đã thành lập nhiều nhóm, uỷ ban nghiên cứu các đề tài liên quan như vi tín dụng và vai trò của phụ nữ, một Quỹ đầu tư cho phát triển (United Nations Development Capital Fund - UNCDF) thực hiện từ năm 1966 các dự án đầu tư nhỏ trong các nước nghèo nhất, và tuyên bố năm 2005 là Năm quốc tế về vi tín dụng. Sau hội nghị LHQ lần thứ tư về phụ nữ tại Bắc Kinh tháng 9.1995, khoảng 3000 người đại diện cho 1 500 tổ chức trong 137 nước đã tham dự Hội nghị thượng đỉnh về vi tín dụng (Micro-credit Summit) tại Washington (Hoa Kỳ) tháng 2.1997, mở đầu Chiến dịch vi tín dụng, nhằm giúp vốn cho 100 triệu gia đình nghèo nhất thế giới cho đến năm 2005. Một mục tiêu rất cao vì lúc ấy chỉ có khoảng 7,5 triệu các hộ nghèo tiếp cận tín dụng nhỏ và đến giữa năm 2003 con số ấy cũng mới chỉ lên khoảng 35 triệu hộ. Vi tín dụng được coi là một trong những công cụ hiệu quả nhất cho hầu hết 12 lãnh vực cần ưu tiên giải quyết, đề ra tại Bắc Kinh năm 1995.

Để phối hợp và tăng hiệu quả các chương trình vi tín dụng, Ngân hàng thế giới cùng LHQ đã thành lập một Uỷ ban tư vấn giúp những người nghèo nhất (Consultative Group to Assist the Poorest - CGAP), qui tụ 28 cơ quan chính phủ, tổ chức quốc tế và đại công ti, trụ sở đặt tại Washington và Paris. Trong hai năm đầu hoạt động, CGAP đã dành một ngân khoản 400 triệu đô-la cho các dự án và cấp khoảng 18 triệu đô-la cho các tổ chức vi tín dụng. Các con số còn rất khiêm tốn nhưng tầm quan trọng của uỷ ban này là ở vai trò huy động và tập trung các nguồn vốn, ấn định các qui tắc tài trợ, các chuẩn về hiệu lực (performance), và điều hành sự phát triển của hệ thống vi tín dụng trên toàn thế giới.

Về mặt địa lý, có thể nói vi tín dụng có mặt khắp nơi, từ châu Phi sang châu Mỹ La Tinh, (châu Âu và Bắc Mỹ cũng có vi tín dụng nhưng trong bối cảnh các nước phát triển, mang sắc thái khác, sẽ không đề cập đến ở đây), nhưng phát triển và phổ biến nhất là ở châu Á. Có lẽ do ảnh hưởng của mô hình Grameen Bank, một tổ chức tiên phong và nổi tiếng nhất trong lĩnh vực vi tín dụng.

Grameen Bank, ngân hàng của "người đi chân đất"

Nói đến vi tín dụng không thể không nhắc đến Grameen Bank và ông Muhammad Yunus, người sáng lập ra ngân hàng này. Ông Yunus sinh năm 1940 tại Chittagong, trung tâm thương mại của Bangladesh, một trong 14 người con của một ông chủ tiệm kim hoàn. Năm 1965, ông được học bổng Fulbright, sang Mỹ học tại đại học Vanderbilt ở Nashville, bang Tennessee. Tốt nghiệp về nước năm 1972, ông làm chủ nhiệm phân khoa kinh tế của đại học Chittagong. Bangladesh lúc ấy mới độc lập trong hoàn cảnh kinh tế kiệt quệ. Trận đói năm 1974 với một triệu rưỡi người chết làm thay đổi cả cuộc đời ông Yunus. « Trong khi người ta chết đói đầy đường, tôi ngồi dạy những lí thuyết kinh tế cao xa, và tự hỏi mình là cái thá gì mà dám nghĩ có trong tay mọi câu trả lời. Đám giáo sư chúng tôi thông minh đấy nhưng hoàn toàn mù tịt về cái nghèo nhan nhản chung quanh. Tôi quyết định để người nghèo và cuộc đời họ là trường học của tôi ». Ông dẫn sinh viên đi thực tế, tìm cách giúp nông dân tăng năng suất, lập hợp tác xã... Nhưng ông vẫn không biết làm sao giúp được những người nghèo nhất, không có đất, không có vốn. Cho đến hôm gặp một phụ nữ làm ghế mây ở làng Jobra, bà kể cho ông là phải đi vay, trả lãi cắt cổ như thế nào để rốt cuộc mỗi cái ghế chỉ còn lời một xu (một cent Mỹ). Hỏi ra thì biết có hơn 40 người khác trong làng cũng như thế. Ông Yunus hỏi họ nếu được giúp vốn thì mỗi người cần bao nhiêu và sững sờ khi thấy số tiền tổng cộng chỉ là 27 đô-la cho cả 42 người đàn bà !

Yunus bèn rút túi đưa họ mỗi người một số tiền nhỏ, cho vay không lấy lãi mà cũng không hẹn bao giờ phải trả. Nhưng ông hiểu ngay là làm như thế không lâu dài được, và đến gõ cửa các ngân hàng. Họ cười vào mũi ông và bảo rằng làm sao tin được vào khả năng chi trả của người nghèo. Ông trở về làng Jobra, thực hiện một dự án thử nghiệm với các sinh viên của ông. Từ năm 1976 đến 1979, có 500 người nhờ các món tiền vay nhỏ này mà cải thiện hẳn được cuộc sống. Song song với việc giảng dạy, ông Yunus tiếp tục vận động Ngân hàng trung ương và các ngân hàng thương mại hợp tác trong dự án Grameen ("làng xã") của ông.

Năm 1979, Ngân hàng trung ương đồng ý giao cho bảy chi nhánh cùng ông Yunus thực hiện dự án Grameen, mới đầu trong một tỉnh, chỉ hai năm sau lan ra 5 tỉnh. Mỗi bước phát triển chứng minh cho hiệu quả của vi tín dụng, dần dà thu hút đuợc sự chú ý và hỗ trợ tài chính của các tổ chức quốc tế. Đến năm 1983, Grameen Bank đã có 86 chi nhánh phục vụ 59 000 khách hàng. Yunus quyết định bỏ nghề dạy học, biến Grameen thành một công ty độc lập, do ông điều khiển. Từ đó, Grameen không ngừng phát triển, đến mức kể từ năm 1995 không còn cần đến các nguồn vốn tài trợ nữa mà hoàn toàn tự túc.

Ngày nay, Grameen đã trở thành cả một tổ hợp kinh tế đồ sộ, với các công ti con hoạt động trong nhiều lĩnh vực như viễn thông, năng lượng, giáo dục, xuất khẩu vải vóc, và máy tính điện tử. Theo thống kê tháng 10.2003, hai mươi năm sau ngày chính thức thành lập, Grameen Bank có 3,02 triệu người đến vay, trong đó 95 % là phụ nữ. Mạng lưới Grameen gồm 1 191 chi nhánh trong 43 459 làng. Tổng số các khoản nợ còn lưu hành là 262,71 triệu đô-la, tổng số vốn cho vay tính từ ngày thành lập là 4,12 tỷ đô-la trong đó 3,73 tỷ đã được hoàn trả lại. Tỷ số hoàn trả là 99,08 %. Grameen áp dụng lãi suất khác nhau tuỳ theo mục đích vay và đối tượng. Cao nhất là 20 % cho các tín dụng nhằm sinh lợi, 8 % cho tín dụng nhà ở, 5 % cho các khoản vay của sinh viên, và người rất nghèo thì được vay không trả lãi. Tất cả là lãi đơn, tính theo phương pháp khấu hao, nên ngay cả với lãi suất cao nhất, 20 %, nếu một người vay 1000 đồng và trả đều mỗi tuần trong một năm thì phải trả tổng cộng 1 100 đồng cả vốn lẫn lời, giảm lãi suất xuống 10 % và dứt nợ sau một năm.

Từ 42 người đàn bà được ông Yunus cho vay năm 1976 đến mấy triệu thân chủ ngày hôm nay, Grameen Bank quả là đã phát triển một cách phi thường, thậm chí quá nhanh đối với một số nhà quan sát. Đi vào chi tiết thì các chuyên gia có thể có ý kiến khác nhau, tuỳ theo góc nhìn có thể đánh giá khác nhau, nhưng nói chung Grameen chứng minh được hai điều :

1. Người nghèo có khả năng chi trả và để giúp họ, có thể kết hợp lợi nhuận với tương trợ.

2. Vi tín dụng có hiệu quả kinh tế ở cả hai phía, người cho vay và người được vay. Nó có khả năng tự nuôi để phát triển và lâu bền.

Sự thành công này phần lớn là nhờ một nguyên tắc vận hành độc đáo : thí dụ có một phụ nữ trong làng muốn vay vốn. Cô phải chứng minh là toàn bộ tài sản của cô thấp hơn mức tối thiểu do ngân hàng ấn định. Cô sẽ được vay không thế chấp (collateral) nhưng phải tham gia một nhóm 5 « bạn nợ », đi họp mỗi tuần và cùng chịu chung trách nhiệm món nợ của cả nhóm. Điều kiện này rất quan trọng là vì người xét và chấp thuận đơn xin vay của cô không phải là ngân hàng mà là nhóm 5 người này. Vì chỉ một người trốn nợ là làm khổ cho cả nhóm, nên họ chọn lựa nhau và kiểm tra nhau chặt chẽ. Cùng hoàn cảnh nên họ hiểu nhau và biết cách giúp nhau giữ đúng các qui định. Nếu cả nhóm thanh toán đúng hạn thì tất cả tiếp tục được là thân chủ của ngân hàng cho đến khi người nào không cần đến nữa thì rút ra.

Grameen Bank như thế dựa trên hai nguyên tắc cơ bản : tín nhiệm nhau và liên đới trách nhiệm tập thể giữa các người nghèo. Mục đích của tín dụng là mưu sinh, lấy ngắn nuôi dài và nhắm hiệu quả lâu bền.

Do đó mà Grameen đã trở thành một mô hình cho nhiều nước, và ông Yunus trở nên nhân vật nổi tiếng, được trao nhiều giải thưởng, huy chương quốc tế, được lãnh đạo các nước mời đón, vị nể. Khi ra tranh cử, cựu tổng thống Mỹ Bill Clinton đã đề cao ông Yunus như người xứng đáng đoạt giải Nobel và đề nghị áp dụng kinh nghiệm của Grameen để xây dựng lại các thành phố bị khủng hoảng ở Mỹ như Chicago ! Thật ra, hiện nay đã có mấy trăm quỹ vi tín dụng xuất hiện ở Mỹ theo mô hình Grameen, như quỹ Full Circle Fund của nhóm Women's Self-Employment Project (WSEP) hoạt động từ 1986 tại Englewood, một ngoại ô nam Chicago nổi tiếng về tệ nạn xã hội. Trong các chuyến chu du khắp nơi để trình bày kinh nghiệm của mình, ông Yunus cũng có đến Việt Nam tham dự các buổi họp, hội nghị về vi tín dụng.

Vi tín dụng ở Việt Nam

Tuy đã đạt một số thành quả rõ rệt trong việc phát triển kinh tế và nâng cao mức sống người dân, Việt Nam vẫn còn là một trong những nước rất nghèo, với những tỷ lệ dân nghèo có nơi rất cao. Tỷ lệ nghèo trên cả nước, đo theo chuẩn quốc tế, giảm từ hơn 70 % năm 1990 xuống khoảng 32 % năm 2000, theo thống kê của nhà nước. Một con số khích lệ nhưng có nghĩa là vẫn còn một phần ba dân chúng phải chịu nghèo và, vì đấy là bình quân, vẫn có những nơi tỷ lệ nghèo quá 60 %. Do đó có rất nhiều các hoạt động vi tín dụng trong khuôn khổ hệ thống tài chính của nhà nước, bên cạnh các dự án của các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ và cả các chương trình hợp tác song phương với một số nước.

Hệ thống tài chính

Cho đến năm 1986, Ngân hàng nhà nước Việt Nam (NHNN) giữ độc quyền về mọi hoạt động tài chính và tín dụng. Trong chính sách tài chính và tiền tệ lúc ấy, sự phân phối tài nguyên dựa trên nguyên tắc hành chánh, và đặt dưới sự quản lý của NHNN. Kết quả là đại đa số nguồn tín dụng đổ vào các công ty quốc doanh, đa số làm ăn lỗ lã, và tỉ lệ hoàn trả rất thấp. Với chính sách đổi mới, hệ thống tài chính được cải tổ, chuyển từ bao cấp sang quy tắc thương mại, cho phép vốn tư nhân và vốn đầu tư nước ngoài tham gia nhiều hơn vào hệ thống ngân hàng. Tuy thế NHNN, ngoài vai trò quản lí tiền tệ và điều hành hệ thống tài chính, vẫn giữ chức năng hành chính là thực thi các chỉ thị của nhà nước. Trong lĩnh vực vi tín dụng, NHNN hoạt động như công cụ của chính sách xoá đói giảm nghèo của cả nước, chủ yếu là phân phát tín dụng thông qua hai cơ sở nhà nước là Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn và Ngân hàng người nghèo.

Với các biện pháp khuyến khích nông nghiệp áp dụng từ 1988, sản xuất tăng, và nhu cầu vay vốn của nhà nông cũng tăng rất nhanh. Nhưng cho đến năm 1992, các cơ sở quốc doanh vẫn được ưu tiên, chiếm 80 % tổng số các khoản cho vay của Ngân hàng nông nghiệp. Rất ít các hộ nông dân đến được với tín dụng ngân hàng. Để đáp ứng nhu cầu của họ, một số hình thức vi tín dụng ra đời. Ngân hàng nông nghiệp đổi tên thành Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn, và chỉ 4 năm sau, số tiền vốn cho các hộ nông dân vay được nhân lên 6, tổng cộng gần 1 tỷ đô-la. Tỷ lệ các hộ được vay trên tổng số các hộ nông thôn tăng vọt, từ 9 % năm 1994 lên 40 % năm 1997. Tháng 8.1995, Ngân hàng người nghèo được thành lập để cấp tín dụng cho các hộ không đủ điều kiện vay vốn nơi Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn, và cuối năm 1997 đã cấp tín dụng với điều kiện nâng đỡ cho 1,6 triệu hộ, tức 30 % các hộ nghèo. Tháng 9.2003, Ngân hàng người nghèo tách khỏi hệ thống Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn, đổi tên thành Ngân hàng chính sách xã hội.



-- tuoitrevietnam (tuoitrevietnam@yahoo.com), July 17, 2004

Answers

Response to một phương thức xoá đói giảm nghèo

Ngoài ra, mạng lưới tài chính vi mô còn có khoảng 1 000 Quỹ tín dụng nhân dân, thành lập từ năm 1993 trở đi với sự tài trợ của tổ chức Développement International Desjardins (DID) tại Québec (Canada). Chỉ hai năm sau lúc DID bắt đầu dự án, đã có 570 quỹ trong 35 tỉnh, phục vụ gần 200 000 khách hàng. Trước đó ở Việt Nam đã có khoảng 7 100 hợp tác xã tín dụng rải rác khắp nơi nhưng khi số tài khoản tiết kiệm bị "quỵt", các người gởi tiền không rút ra được, lên đến 100 tỷ đồng thì hầu hết hệ thống này phá sản chỉ trong hai năm 1989-1990. Các quỹ tín dụng nhân dân hoạt động với quy chế hợp tác xã và áp dụng lãi suất cao hơn hai Ngân hàng nông nghiệp và Ngân hàng người nghèo (khoảng 1,5 % một tháng), các khoản vay thường chỉ trên dưới 1 triệu đồng (65 đô-la). Sau ba năm hoạt động, các quỹ này đã huy động được khoảng 765 tỷ đồng, phục vụ khoảng 1 triệu gia đình. Các yếu tố thành công : thủ tục gởi và rút tiền đơn giản, lãi trả cho sổ tiết kiệm cao hơn tại các ngân hàng, các hình thức huy động vốn linh động và theo sát nhu cầu của khách hàng.

Đấy là những bước tiến đáng kể, phần nào phản ánh trọng tâm của chính sách xoá đói giảm nghèo. Song, với cách vận hành còn nặng nề về hành chính, lệ thuộc vào ngân sách quốc gia, hệ thống tài chính nhà nước vẫn chưa theo kịp nhu cầu của đông đảo người nghèo. Không kể là các ngân hàng nhà nước đòi hỏi người vay phải có giấy chứng minh sử dụng đất đai, một điều kiện chỉ một phần ba các hộ nông dân có thể thoả mãn được. Những chương trình vi tín dụng của các tổ chức quốc tế và phi chính phủ do đó vẫn đóng vai trò quan trọng, không chỉ trong việc cấp vốn mà còn trên phương diện chuyển giao kinh nghiệm, kiến thức.

Vi tín dụng trong các dự án quốc tế

Với đà hội nhập vào nền kinh tế thế giới, các hoạt động hợp tác quốc tế cũng phát triển nhanh, và các tổ chức quốc tế và phi chính phủ càng hiện diện đông đảo. Trong 10 năm qua, đã có 16 000 dự án lớn nhỏ của các tổ chức phi chính phủ góp phần đem lại thành quả thiết thực trong việc phát triển kinh tế xã hội, và hiện nay có khoảng 500 tổ chức phi chính phủ thuộc 26 nước có mặt tại Việt Nam, trong đó gần 400 tổ chức có chương trình hợp tác và dự án thường xuyên với các đối tác Việt Nam. Những con số này đủ cho thấy không thể liệt kê đầy đủ các chương trình quốc tế mà chỉ có thể nêu lên vài thí dụ điển hình.

Ngân hàng thế giới (WB) là một trong những tổ chức lớn có mặt tại Việt Nam và vi tín dụng cũng là một trong các chương trình quan trọng của WB. Từ 1998 đến 2001, WB đã chi 650 000 đô-la cho một dự án cấp tín dụng cho 250 000 hộ nông thôn, trong đó gần một phần ba là phụ nữ. Các khoản vay, trung bình là 360 đô-la, được phân phối qua bẩy ngân hàng, và tỷ lệ hoàn trả, rất cao, là 98 %. Tổng số ngân sách WB dành cho chương trình tín dụng nông thôn là 110 triệu đô-la, chia cho nhiều dự án trong đó nổi bật là các ngân hàng lưu động đi tới các vùng xa xôi, không có chi nhánh ngân hàng, để cung cấp các dịch vụ ngân hàng. Với 159 chiếc xe, ngân hàng lưu động trung bình mỗi tháng đến 62 địa điểm vùng xa, tiếp nhận thêm 200 tài khoản tiết kiệm và phục vụ thêm 500 người vay.

Ngân hàng phát triển châu Á (AsDB) đương nhiên cũng là một đối tác gần gũi với Việt Nam. Trong năm 2003, AsDB đã cho Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn vay 90 triệu đô-la để mở rộng phạm vi tín dụng ngắn và trung hạn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nông nghiệp. Đa số các doanh nghiệp này đều thiếu vốn.

Trong số đông đảo các tổ chức phi chính phủ có dự án vi tín dụng ở Việt Nam, chỉ có thể kể vài tên quen thuộc như Oxfam, CARE, Save the Children Fund, Action Aid, Groupe de recherche et d'échanges technologiques (GRET), v.v. Và để lấy chỉ một thí dụ điển hình, xin đơn cử một dự án khiêm tốn nhưng gần gũi với chúng ta vì được thực hiện bởi tổ chức của một nhóm Việt Kiều tại Bắc Mỹ và Pháp, thân thiết với nhiều độc giả báo Diễn Đàn.

Chương trình Tam Nông của tổ chức VHI

Vietnamese Heritage Institute (VHI) là một tổ chức bất vụ lợi thành lập năm 1987 và đặt trụ sở tại California (Hoa Kỳ). Ngoài một số hoạt động như xây trường mẫu giáo và nhà trẻ ở Nam và Trung Bộ, mở các lớp huấn luyện nghiệp vụ cho nhân viên của 7 đài truyền hình các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, cấp học bổng cho học sinh và sinh viên nghèo tại Nha Trang và Huế, VHI còn thực hiện từ tháng 12.2001 một dự án vi tín dụng tại Tân Công Sính, tỉnh Đồng Tháp.

Tân Công Sính là một xã nghèo - thuộc huyện Tam Nông, nằm ven Vườn Quốc Gia Tràm Chim, có hơn 4 000 dân, sống rải rác trên 75 cây số vuông. Hai phần ba diện tích được cầy cấy, phần còn lại là rừng tràm. Tất cả bắt đầu bằng một ngân sách khiêm tốn, 4 200 đô-la, để cấp vốn cho một nhóm 40 hộ nghèo nhất, bị suy dinh dưỡng. Đây là những người nông dân lam lũ, mò cua bắt ốc, lao động thuê theo mùa gặt để sống qua ngày. Đa số thành viên chương trình vi tín dụng (34 hộ) chọn chăn nuôi trồng trọt và 6 hộ chọn sản xuất thủ công nghiệp và buôn bán nhỏ. Chỉ 6 tháng sau (7.2002), tất cả nhóm đã trả lại đầy đủ vốn và lãi và xin được vay tiếp cho đợt hai, với thời hạn ấn định là một năm. Họ còn kiến nghị mở rộng thêm chương trình để người khác cũng được hưởng cái may của họ. Tháng 6.2002 đã có thêm 150 gia đình ghi tên xin được tham gia. Tháng 7.2003, toàn bộ nhóm đầu cũng trả lại đầy đủ vốn và lãi và xin được vay tiếp đợt ba. Tất cả đã cải thiện được cuộc sống, ổn định thu nhập và học được cách làm ăn có hiệu quả hơn.

Trước sự thành công này, đầu năm 2003, VHI quyết định triển khai chương trình thu nhận thêm 160 phụ nữ đại diện cho các hộ nghèo ở Tân Công Sính. Mỗi người được vay 1 triệu đồng (70 đô-la) cho một đợt 12 tháng, với lãi suất 1 % một tháng. Nếu họ làm ăn khá, họ có thể xin vay tiếp. Theo tin mới nhất thì tất cả thành viên đã trả đầy đủ vốn lãi sau 1 năm, và tất cả xin trở lại tái vay vốn vào tháng 3.2004 này. Song song với vi tín dụng, VHI cũng tiến hành một dự án trồng tràm, kết hợp ổn định kinh tế và bảo vệ môi sinh. Đây là vùng đất phèn chua, canh tác khó nhưng thích hợp với cây tràm bản địa. Các gia đình tham gia trồng tràm được vay vốn là 15 triệu đồng (1000 đô-la), mỗi hộ với lãi suất khuyến khích 0,5 % (thay vì 1 %) một tháng. Các hộ này sẽ được hưởng quyền thu hoạch lợi nhuận kinh tế từ các cây tràm (gỗ làm cột nhà v.v.), đồng thời được đào tạo cách quản lí bền vững để duy trì và tái sinh rừng tràm do chính họ đã trồng nên. Dự án này còn ở giai đoạn đầu thử nghiệm, với ba gia đình được chọn để huấn luyện rồi sau đó hướng dẫn lại các gia đình khác, và sẽ bước vào giai đoạn 2 trong năm 2004, phát rộng ra cho nhiều gia đình.

Số tiền trả lãi thâu vào được dùng cho nhiều mục đích phúc lợi, không chỉ phục vụ cho các hộ tham gia chương trình :

* 10 câu lạc bộ được thành lập theo yêu cầu của các thành viên và do Hội Phụ Nữ Tam Nông quản lí : các câu lạc bộ hạnh phúc gia đình, khuyến nông, quản trị, kinh tế gia đình, gia đình thể thao, và tôn giáo * giúp đỡ các gia đình neo đơn, người bệnh, các trẻ mồ côi hay khuyết tật. * xây dựng nhà cửa sau thiên tai. * cấp học bổng cho học sinh nghèo, v.v.

Ngoài việc cải thiện cuộc sống của người dân, cả về kinh tế lẫn văn hoá xã hội, dự án vi tín dụng của VHI còn góp phần củng cố tinh thần cộng đồng, đoàn kết. Một phần lớn sự thành công này là nhờ sự hợp tác chặt chẽ của Hội Phụ Nữ địa phương và Đại học Cần Thơ, thông qua giáo sư Dương văn Ni. Ở Tam Nông cũng như ở các nơi khác, Hội Phụ Nữ đóng vai trò rất quan trọng, như sẽ phân tích chi tiết hơn sau đây, và một yếu tố quyết định không kém là sự hỗ trợ kĩ thuật, huấn luyện đào tạo của Đại học Cần Thơ. Giúp vốn cho người nghèo chỉ là một bước đầu (một trong các yếu tố của bài toán xoá đói giảm nghèo), còn phải giúp họ kiến thức, để họ có thể tự quản lý từ kinh tế gia đình đến phương án làm ăn. Để họ đứng vững hơn trên đôi chân của mình, và đi xa hơn.

Trong các tài liệu về vô vàn chương trình, chính sách, chiến lược xoá đói giảm nghèo của các tổ chức quốc tế, có hai chữ quen thuộc (và khó dịch !) : enabling và empowerment. Đó là huy động điều kiện thuận lợi cho người dân nghèo có cơ hội phát triển khả năng và ổn định đời sống của họ một cách bền vững. Nói nôm na, là trang bị cho người nghèo những phương tiện vật chất và nhất là tri thức để họ từ cái không đến với cái có : có ăn, có mặc, có tiền, có kiến thức, có chuyên môn. Nói văn hoa hơn là chắp cánh cho họ đổi đời. Những gì VHI đang làm ở Tam Nông, và nhiều tổ chức khác đang làm ở các nơi khác, chính là những bước đi, từ từ dẫn đến mục đích ấy.

Người nghèo không chỉ mong có quý nhân phù trợ, có Bụt hiện ra, hay sự may mắn nào đó trên trời ban xuống. Họ xoay xở với những gì có trong tay và không ít những sáng kiến, kế hoạch độc đáo xuất phát từ chính những người lao động lam lũ.

Vi tín dụng khởi xướng từ trong lòng dân chúng

Ở phường Tân Định, thành phố Hồ Chí Minh, chẳng hạn, có những khu phố chen chúc, dân chúng sống bằng đủ thứ nghề lặt vặt. Có người tất cả vốn liếng chỉ được 100 000 đồng (7 đô-la). Hầu như ai cũng đã từng phải đi vay mượn với giá cắt cổ, có khi lãi suất đến 3 % một ngày, tức là 90 % một tháng ! Không hiếm những vụ trốn nợ và chém giết, thanh toán nhau ghê gớm. Vay ngân hàng thì thủ tục rắc rối, phải có thế chấp, ngoài tầm tay của người nghèo.

Do đó khi có người có sáng kiến lập ra « ngân hàng khu phố », để ai cũng có thể gửi tiền tiết kiệm dẫu là chỉ vài ngàn đồng mỗi ngày, mỗi tuần hay mỗi tháng, và khi cần rút ra một cách dễ dàng, thì được hưởng ứng đông đảo ngay. Những « chủ ngân hàng » thường cũng là những người buôn bán vỉa hè, cũng lao động vất vả như các khách hàng của họ. Nhưng chung sức lại, họ làm nên những việc phi thường. Số tiền họ kí cóp được, phát vay lại cho các thành viên có khi cao gấp ba lần số vốn xoá đói giảm nghèo từ các quận, hội rót xuống.

Những « nhóm tiết kiệm mùa xuân », « quỹ vì người nghèo », « tổ phụ nữ tiết kiệm »... đều là những hình thức huy động vốn, cho vay vốn nhỏ xuất phát từ chính những người cần đến nhất và tự chủ động tìm cách giải quyết những nhu cầu bức bách của mình.

Vài nhận xét đúc kết sơ khởi

Vi tín dụng thật ra là bình mới cho rượu cũ, tên mới của một khái niệm có lẽ cũng xưa và phổ biến như cái nghèo : vay/góp vốn nhỏ và quay vòng vốn. Trước ôngYunus từ lâu, ở Việt Nam đã có truyền thống chơi hụi, và hụi cũng phổ biến ở khắp nơi trên thế giới cho tới ngày nay. Tiếng Pháp tontine và tiếng Anh ROSCA (Rotating savings and credit associa-tion) đều có nghĩa là nhóm hụi. Một hình thức cho vay nhỏ khác, ở đâu cũng có, là các tiệm cầm đồ, các monts-de-piété (còn gọi vui là ma tante, vì nhiều người ngượng, nói dối là vay được của bà cô !). Nhưng chơi hụi thì rủi ro (giựt hụi là chuyện rất thường xảy ra), các tiệm cầm đồ thì cũng ăn lãi cao như các chủ nợ cá mập, và khi người ta nghèo quá thì còn có gì để mà cầm. Cái khác của vi tín dụng là ở mục đích hoặc bất vụ lợi hoặc gắn liền với một chính sách xã hội. Với định nghĩa ấy, vi tín dụng còn tương đối mới và cũng chỉ mới có một số đánh giá sơ khởi về kết quả. Ở Việt Nam, nó chỉ thật sự xuất hiện cách đây hơn 10 năm và mới được đẩy mạnh những năm gần đây. Tuy thế đã có thể nêu lên vài điểm nổi bật.

Vai trò của phụ nữ

Ngay từ đầu của phong trào Grameen và trong các chương trình vi tín dụng ở mọi nơi, phụ nữ đã là đa số những người tham gia và là yếu tố chính của sự thành công. Vì những người nghèo nhất thường là phụ nữ, không được học hành, không có tài sản riêng, thiệt thòi đủ mọi mặt trong một xã hội trọng nam khinh nữ. Họ là tuyệt đại đa số các người buôn thúng bán bưng, lao động chân tay không chuyên môn. Cùng lúc, họ là người phải quán xuyến cả gia đình, phải đi chợ khi chỉ có vài đồng trong túi, phải trả lời đứa con khi nó đói, khi nó xin tiền mua sách. Thấm thía hơn ai hết cái khổ của nghèo túng, họ kiên quyết nhất khi có được cơ hội vươn lên. Đã quen phải tần tảo, nhẫn nhục, họ kiên trì hơn nam giới trong nỗ lực mưu sinh. Quen sống kỉ luật, họ giữ đúng hơn các qui định. Họ lại ít cờ bạc, rượu chè hay chơi bời cám dỗ hơn đàn ông ! Nói tóm lại, họ là những con nợ lí tưởng, cho phép các quỹ vi tín dụng có được những tỉ lệ hoàn trả mà ngân hàng nào cũng phải ao ước : từ 97 đến ngoài 99 % !

Vi tín dụng dựa vào phụ nữ là chính nhưng cũng đem lại rất nhiều cho họ, ngoài lợi ích kinh tế. Ở những nơi mà số phận người đàn bà đặc biệt hẩm hiu, các nhóm vi tín dụng cũng là phương tiện khai phóng họ, cho phép họ hội nhập vào xã hội. Bao người không chỉ vay vốn mà qua đó học chữ, học nghề, và học cả tự quản lí cuộc đời. Rất nhiều chương trình quốc tế gắn liền vi tín dụng với phát triển vai trò và độc lập của phụ nữ.

Ở Việt Nam các chương trình vi tín dụng của các tổ chức quốc tế cũng như của hệ thống tài chính trong nước đều được thực hiện với sự hợp tác chặt chẽ thậm chí then chốt của các Hội Phụ Nữ địa phương. Các cán bộ phụ nữ cơ sở thường là những người có uy tín trong cộng đồng, nắm rõ hoàn cảnh, nhu cầu của người dân trong các khu phố, làng xóm. Họ biết đưa ra những đề nghị thiết thực, nêu lên đúng vấn để. Ngay cả hai Ngân hàng nông nghiệp và phát triển và Ngân hàng chính sách xã hội cũng phải dựa vào họ để quản lý trực tiếp các kế hoạch. Ngoài truyền thống 'quanh năm buôn bán ở ven sông, nuôi đủ năm con với một chồng' chia sẻ với phụ nữ lao động các nước khác, người đàn bà Việt Nam cũng đã gánh vác đủ mọi trách nhiệm trong chiến tranh và khi hoà bình cũng không phải lui trở vào bóng tối như ở Algérie. Công bình mà nói bên cạnh họ, còn có các đoàn thể khác như Hội Nông Dân, Hội Cựu Chiến Binh, Liên Hiệp Thanh Niên... cũng đóng vai trò tích cực. Các chương trình vi tín dụng ở Việt Nam thành công một phần cũng là nhờ sự tham gia của một mạng lưới các đoàn thể xã hội có mặt khắp nơi.

Khung pháp lí

Một trong những vấn đề ở nhiều nơi là thiếu một khung pháp lí rõ ràng tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức vi tín dụng, gây tin tưởng trong công chúng để thu hút nguồn vốn từ tư nhân. Ở Việt Nam, cũng thế, các cơ sở vi tín dụng tư nhân không được tự do định lãi suất mà phải theo lãi suất chính thức, do Ngân hàng nhà nước ấn định. Họ rất khó phát triển nếu không áp dụng được lãi suất đủ cao để trang trải các chi phí. Đã từ lâu họ than phiền là không thể cạnh tranh nổi với các cơ sở của nhà nước vì lãi suất họ phải theo (trên dưới 1 % một tháng, tức khoảng 10-14 % một năm) là phi thực tế và các ngân hàng nhà nước chỉ áp dụng được nhờ sự bù lỗ. Và ngay cả với sự bù lỗ ấy, để tăng gia doanh thu, các ngân hàng này cũng có khuynh hướng nhắm vào các thành phần khá giả hơn, đi ngược lại nguyên tắc cơ bản là ưu tiên cho người thật nghèo.

Lãi suất là điểm gây nhiều tranh cãi : đã phục vụ người nghèo thì vi tín dụng không thể chạy theo lợi nhuận ? Đó là lí lẽ chính đưa ra bởi những người trách Grameen lấy lãi quá cao (20 % một năm). Ngược lại, các cơ sở vi tín dụng và nhiều nhà quan sát khẳng định quan trọng hơn cả là lãi suất phải đủ cao để nuôi các hoạt động. Người nghèo cần vốn đã đành, họ cũng cần được trông cậy lâu dài vào nguồn vốn ấy để có thể tính toán lâu dài, như tất cả mọi người làm ăn khác. Kinh nghiệm các nơi cho thấy, họ đủ sức trả lãi, trả vốn và chính sự vững bền của cơ sở vi tín dụng mới thực sự giúp họ thoát khỏi nguy cơ tái nghèo. Mặt khác, người nghèo không chỉ cần đuợc vay vốn, họ cũng có nhu cầu tiết kiệm, vì đó là điều kiện tích luỹ. Cùng lúc, các cơ sở vi tín dụng cũng cần huy động vốn, nhất là vốn địa phương. Một lãi suất đủ cao để trang trải mọi chi phí của cơ sở tín dụng đồng thời khuyến khích người đến ký gửi do đó là một đòi hỏi hợp lý, và đã được các Hội Phụ Nữ ủng hộ trong các buổi họp chuyên đề.

Vi tín dụng chỉ thích hợp với một số đối tượng

Mặt khác, nghèo cũng ba bảy đường nghèo : nhìn lên thì chẳng bằng ai, ngó xuống khối kẻ cầu may bằng mình. Người nghèo không phải là một đám đông thuần nhất, ngoài hoàn cảnh khác nhau, họ cũng khác nhau về mức độ nghèo. Các chương trình xoá đói giảm nghèo phân loại những thành phần khác nhau, từ người có khó khăn, đến tương đối nghèo, rồi thật sự nghèo, và nghèo cùng cực. Kinh nghiệm đa số các chương trình cho thấy vi tín dụng hữu hiệu nhất với những người không quá nghèo vì họ đã có một số điều kiện cơ bản, dẫu khiêm tốn, để thành công. Như con thuyền đã có buồm, có mái chèo, dẫu cũ kĩ thô sơ, thì chỉ cần một tí gió thuận chiều là có thể xuôi dòng nước. Những người thật sự nghèo và nghèo cùng cực thì phải được cứu giúp hơn là giúp đỡ. Như người bị bệnh nặng, người tàn tật, họ thuộc về diện cứu trợ thì phải hơn. Hệ thống phúc lợi xã hội của Việt Nam còn yếu kém nhưng lại càng cần thiết với đà hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu, để bảo vệ những người yếu ớt nhất. Hệ thống vi tín dụng do đó phải linh động tuỳ theo các đối tượng và đi kèm theo với những biện pháp đặc biệt nâng đỡ những thành phần khó khăn nhất.

Bản đồ thống kê giàu nghèo cũng cho thấy một số chênh lệch về địa lý và dân tộc. Tỷ lệ nghèo cao nhất là ở các vùng xa, vùng sâu và vùng cao, và nơi các dân tộc ít người. Tất cả các tỉnh thượng du giáp với biên giới Trung Quốc đều có tỉ lệ nghèo 60-100 % : Cao Bằng, Lạng Sơn, Lai Châu, Hà Tuyên, Sơn La... Trên 13 tỉnh nghèo nhất, 12 là có ít nhất 50 % dân số thuộc các dân tộc ít người, trong khi tỷ lệ các dân tộc này so với dân số của cả nước chỉ là 15 %. Một chính sách ưu tiên cho các vùng này và các dân tộc ít người không chỉ cần thiết về mặt kinh tế mà còn là một điều hiển nhiên về mặt đạo lí.

Vi tín dụng tất nhiên không phải là vị thuốc tiên, cây đũa thần, và còn nhiều khuyết điểm, cản trở cần khắc phục, nhưng các kết quả đạt được cho đến nay cho thấy đấy là một phương thức xoá đói giảm nghèo có hiệu quả, đáng được quan tâm đúng mức.

Một cây làm chẳng nên non Ba cây chụm lại thành hòn núi cao

Câu ca dao quen thuộc này, trẻ con đều biết là đề cao tinh thần hợp tác, tính đoàn kết. Người lớn bon chen để mưu sinh cũng có thể hiểu đấy là quy luật cơ bản của kinh tế : muốn có vốn làm ăn thì phải tích luỹ, muốn phát triển thì phải hùn hạp chung vốn. Đối với vi tín dụng, nó có cả hai ý nghĩa ấy : vừa là biện pháp kinh tế vừa là hoạt động tương trợ. Nó cũng thể hiện một tác dụng dây chuyền : một người thoát khỏi nghèo là thực hiện giấc mơ đổi đời ; khi một làng, rồi một huyện, một tỉnh thành công trong việc xoá đói giảm nghèo, đấy là bước tiến của xã hội. Nó còn nói lên một điều hiển nhiên : một quận hội phụ nữ, một tổ tiết kiệm khu phố, một Oxfam, một VHI, nếu nhìn riêng lẻ có thể thấy như những con dã tràng xe cát biển Đông. Nhưng nếu cộng lại những kết quả họ đạt được, nhân lên thêm nữa khi có sự tham gia của nhiều người, nhiều nhóm hơn, thì đấy là một đóng góp không nhỏ vào lợi ích chung.

Trong nước, ngoài nước, đông đảo và âm thầm, họ là những cô Tâm : « Chịu khó, chịu khó, từng tí một, hết bước nọ sang bước kia, cứ thế mà đi không nghĩ ngợi. Tâm thấy ngày nay cũng như mọi ngày, ngày mai cũng thế nữa : Tất cả cuộc đời nàng lúc nào cũng chịu khó và hết sức, như tấm vải thô dệt đều nhau. » Họ cần được tiếp tay, để tiếp tục bền bỉ gom góp tài chánh, công sức, thiện tâm và cả kiến thức, kinh nghiệm. Để góp gió thành bão, một cơn bão không làm đổ nhà gẫy cây mà là trận mưa hiền hoà, làm sinh sôi nảy nở sự sống. Như trong câu hát từ đời xưa truyền lại : "Lạy trời mưa xuống, lấy nước tôi uống, lấy ruộng tôi cày..." Để bát cơm đầy, trên đôi chiếu dầy. Để bụng bé no, cha mẹ hết lo. Để nước ta giàu, dân ta hết khổ.

Đỗ Tuyết Khanh

19.2.2004

Tác giả chân thành cám ơn tổ chức VHI đã cung cấp và cho phép sử dụng các thông tin về chương trình Tam Nông. Bạn đọc muốn tìm hiểu thêm có thể liên lạc bằng email về địa chỉ: thevhi@pacbell.net

-- truoitrevietnam (tuoitrevietnam@yahoo.com), July 17, 2004.


Moderation questions? read the FAQ